Diện chẩn - phương pháp chữa bệnh kì lạ (Tiếp theo và hết)
Sức khỏe 20/04/2021 09:56
Kì cuối: Diện chẩn đi về đâu?
Người người làm diện chẩn
Cái lí sâu xa ông thầy thuốc diện chẩn từ chối đề nghị viết bài của tôi có lẽ là ở chỗ: Ông không muốn bị phiền phức bởi phương pháp này dù ra đời cách đây hơn 40 năm nhưng đến nay vẫn chưa được Nhà nước công nhận. Để tôi viết bài đăng báo, rồi chính quyền, cơ quan chức năng tìm đến hỏi bằng cấp, giấy phép hành nghề... có khi “kính chả bõ phiền”.
Tìm hiểu thì từ năm 2012, báo Sài Gòn giải phóng có bài “Mơ hồ liệu pháp diện chẩn” cho biết: Sau khi phương pháp diện chẩn ra đời và gây hiệu ứng nhiều chiều trong dư luận, Bộ Y tế, chính quyền và ban ngành chức năng TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện cho ông Châu cung cấp tài liệu, báo cáo để thẩm định. Thậm chí còn cho ông tham gia thực hiện việc điều trị tại một số bệnh viện như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, 30/4… Tuy nhiên, tại 3 bệnh viện trên, ông Châu chỉ tham gia một thời gian rồi bỏ ngang. Khi Bộ Y tế đề nghị ông cùng phối hợp để chứng minh cơ sở lí luận cũng như hiệu quả của liệu pháp thì ông không hợp tác. Ông Châu lí giải rằng, liệu pháp của ông chỉ điều trị chức năng, triệu chứng nên có nhiều cái không chứng minh cụ thể như Tây y được. Ngoài ra, liệu pháp này cũng như nhiều phương pháp điều trị khác, có thể hiệu quả với người này nhưng chưa chắc có hiệu quả với người khác vì mỗi người có một cơ địa khác nhau…
Ông Bùi Quốc Châu (bên trái) giảng bài tại Lễ Khai giảng Lớp học Diện chẩn tại Trường Trung cấp Y Dược Tuệ Tĩnh - Hà Nội, ngày 12-4-2018 |
Do cả hai bên chưa tìm được tiếng nói chung khiến việc làm rõ hiệu quả của diện chẩn đi vào ngõ cụt, trở thành vấn đề gây tranh cãi trong nhiều năm qua. Dù vậy, với ý tưởng “Biến bệnh nhân thành thầy thuốc”, “Người người làm diện chẩn, nhà nhà làm diện chẩn”, phương pháp diện chẩn hiện nay vẫn đang phát triển khá mạnh. Ông Châu đặt cho phương pháp chữa bệnh bằng diện chẩn của mình là Việt Y đạo, có biểu tượng, trụ sở làm việc, biên soạn nhiều tài liệu hướng dẫn và mở nhiều lớp đào tạo cho hàng ngàn người Việt Nam và nước ngoài với các hình thức trực tiếp và online. Đặc biệt, từ năm 2018, Trường Trung cấp Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội liên kết với Trung tâm Việt Y đạo của ông Châu mở lớp dạy diện chẩn đầu tiên tại trường.
Từ các khóa học này, nhiều học viên trở về các địa phương hành nghề rồi hướng dẫn cho người bệnh tự chữa bệnh cho mình và người thân tại nhà bằng phương pháp diện chẩn. Điều đó khiến cho công tác quản lí việc khám chữa bệnh ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có nơi, bệnh nhân tìm đến thầy thuốc diện chẩn đông, tiềm ẩn tình trạng mất an ninh trật tự xã hội, khiến chính quyền phải ngăn cản bằng biện pháp hành chính…
Bộ dụng cụ diện chẩn |
Cần sớm có kết luận về phương pháp diện chẩn
Có ý kiến cho rằng nên coi diện chẩn là một phương pháp y học bổ sung, hỗ trợ cho phương pháp y học chính thống. Bởi tâm lí chung, người bệnh vẫn coi việc điều trị tại bệnh viện bằng Tây y là lựa chọn hàng đầu và chỉ tìm đến Đông y hoặc diện chẩn khi việc điều trị bằng Tây y khó khăn. Tuy nhiên, những trường hợp được chữa khỏi bệnh bằng diện chẩn (như vợ tôi) sẽ có xu hướng giới thiệu cho nhiều người khác tìm đến diện chẩn. Mặt khác, trong điều kiện hệ thống bệnh viện hiện nay đang có sự quá tải, nhiều bệnh nhân là người nghèo không đủ khả năng đi viện và bệnh dịch Covid-19 luôn rình rập bùng phát thì việc “chữa bệnh không dùng thuốc”, “biến bệnh nhân thành thầy thuốc” như phương pháp diện chẩn, sẽ trở thành cứu cánh của không ít bệnh nhân.
Ngoài ra, những năm gần đây trong xã hội xuất hiện rất nhiều quảng cáo về phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc, nhiều “ông lang, bà mế” có “biệt tài” chữa được bệnh nan y mà Tây y bó tay… Thực hư chưa rõ thế nào, nhưng tạo ra không ít chuyện dở khóc, dở cười cho người bệnh và lùm xùm trong dư luận. Gần đây nhất là chuyện “thần y” Võ Hoàng Yên bị UBND tỉnh Quảng Ngãi thu hồi Bằng khen vì chữa bệnh không hiệu quả. Chưa kể, ông còn bị bà Nguyễn Phương Hằng, vợ ông Dũng “lò vôi” tố giác lợi dụng việc chữa bệnh, xây chùa từ thiện để chiếm đoạt tài sản. Điều đáng nói là khi ông Yên đi chữa bệnh bằng phương pháp kì lạ của mình ở một số nơi, thì hầu như ít có cơ quan công quyền nào lên tiếng hay thẩm định, kết luận. Hệ thống báo chí có phản biện thì cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất thấp trong cả đại dương thông tin quảng cáo tung hô các “thần y”, “thần dược” này.
Đối với phương pháp diện chẩn, thời gian ra đời đã hơn 40 năm và có thể hỗ trợ chữa trị thành công một số bệnh cho không ít người nhưng hiệu quả của phương pháp này đến đâu? Sự phát triển của nó thế nào? Nhà nước và người dân cần ứng xử ra sao? Lẽ ra các cấp có thẩm quyền cần phải làm rõ từ lâu.
Từ thực trạng nêu trên, thiết nghĩ Nhà nước và nhất là Bộ Y tế cần sớm có kết luận về phương pháp chữa bệnh bằng diện chẩn để có biện pháp quản lí chặt chẽ, các thầy thuốc diện chẩn yên tâm hành nghề và người bệnh có niềm tin về một phương pháp chữa bệnh mới.