Đền thượng Lào cai hơn 300 tuổi gìn giữ văn hoá và lịch sử
Nhịp sống văn hóa 18/02/2022 07:34
Đền thượng còn có tên tự là Thánh Trần Từ, được xây dựng từ thời Lê niên hiệu Chính Hoà (1680-1705). Tọa lạc trên núi Mai Lĩnh, soi mình bên bờ sông Nậm Thi, nằm trong quần thể di tích lịch sự văn hoá, nơi hợp lưu của 2 con sông Hồng và sông Nậm Thi, trên độ cao 1200m so với mực nước biển, thuộc phố Bảo Thắng, Châu Thủy Vĩ, tỉnh Hưng Hóa nay là phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai.
Theo nhiều tư liệu lịch sử còn ghi chép lại, nơi Đền Thượng toạ lạc ngày nay, cách đây hơn 700 năm là nơi được Hưng Đạo Vương chọn đồi Mai Lĩnh làm nơi hỏa hiệu cho quân đội chống giặc phương Bắc.
Vào giữa năm Bính thìn 1256, vua Trần Thái Tông đã giao trọng trách cho vị tướng trẻ tài ba Trần Quốc Tuấn. Trong suốt 30 năm ông đã lãnh đạo quân đội Đại Việt 3 lần đánh tan giặc phương bắc bảo vệ bờ cõi, trong đó có 2 cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông (1285-1288). Trong hào khí bừng bừng của ngày đại thắng, Vua Trần cảm khái mà viết:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn Hà thiên cỏ điện kim âu”
Tạm dịch:
Đất nước hai phen chồn ngựa đá
Non sông ngàn thuở vũng âu vàng.
Với những chiến công hiển hách, vua Trần phong tước hiệu cho ông là Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Người dân Việt Nam đời đời tôn kính gọi ông là Đức Thánh Trần.
Đến thời Hậu Lê, giặc Thanh sang xâm chiếm nước ta, ông Hoàng làng (người nhiều tuổi và danh vọng nhất) đã chiêu mộ binh lính đánh đuổi giặc Thanh và lập Đình cầu đức thánh Trần giúp sức, đền được lập ngay tại đồi Thượng (dưới chân gốc đa bây giờ). Đến đời Nguyễn Khải Định thứ 2, năm 1817 tức năm Đinh Tỵ đền được các bô lão và nhân dân trong vùng đã chuyển đền lên vị trí như bây giờ, tôn tạo khang trang hơn.
Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, năm 1996 Đền Thượng đã được Bộ Văn Hoá quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
Lễ hội đền Thượng được tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hằng năm. Và ngày giỗ của Hưng Đạo Vương là ngày 20/8 âm Lịch để tưởng nhớ tới công ơn to lớn của Đức Thánh Trần.
Ngay tại cửa đền có đôi câu đối, với ý nghĩa ca ngợi phong cảnh non nước hữu tình của nơi đây và ca ngợi công lao to lớn của Đức Thánh Trần:
“Địa giới Nam thiên chiêm khởi kính
Thần tiên lăng địa lạc trường xuân”
Tạm dịch:
Thế giới trời Nam lặng nhìn mà kính trọng
Thần tiên cõi đất sung sướng mãi muôn dân.
Toạ lạc ngay nơi giao thương kinh tế quốc tế, khu di tích lịch sử văn hoá này, mỗi dịp lễ hội đón hàng vạn lượt khách đến tham quan, chiêm bái là người Việt Nam và du khách quốc tế. Đặc biệt hơn nữa, mỗi người con đất Việt khi khởi hành du lịch tâm linh tới Lào Cai, cũng đều một lần tìm đến Đền Thượng, để chiêm bái tưởng nhớ công ơn của Đức thánh Trần.
Trải qua hơn 300 năm với bao thăng trầm cùng lịch sử, Đền Thượng vẫn nằm ở vị trí cũ, hướng không thay đổi, được gìn giữ và tôn tạo như 1 cột mốc lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Bước qua cổng đền, du khách đi hết 81 bậc thềm đá, sẽ tới chân gốc đa cổ thụ có hơn 300 năm lịch sử ngay tại sân đền, gốc đa cổ thụ này tượng trưng cho bậc chính nhân quân tử. Đến ngày 01/9/2012, Hiệp hội cây di sản Việt Nam đã công nhận cây đa Đền thượng là “cây di sản”.
Hình ảnh cây đa cổ thụ và ngôi đền ngày sừng sững nơi biên ải, góp phần tăng thêm ý nghĩa lớn lao, tinh thần tự lập tự cường. Trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên hào khí gìn giữ, bảo vệ non sông bờ cõi.
Sự linh thiêng và uy nghiêm của nơi này ngày một in sâu hơn vào tiềm thức người Việt, để mỗi độ tết đến xuân về, hằng triệu người con Việt Nam hành hương về đây để chiêm bái, tỏ lòng thành kính biết ơn và cầu xin Đức Thánh Trần che chở, cho một năm mới vạn sự hanh thông.