Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sớm về đích
Xã hội 19/10/2022 10:34
Sau 9 tháng đã phải trải qua nhiều khó khăn, thách thức như: Xung đột Nga - Ukraine, lạm phát tại các quốc gia phương Tây, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... nhưng tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm, thủy sản 9 tháng ước đạt 2,99% so với cùng kì 2021. Trong đó, nông nghiệp tăng khoảng 2,43%, lâm nghiệp tăng 5,2% và thủy sản tăng 4,43%. XK tiếp tục là điểm sáng của ngành Nông nghiệp khi kim ngạch XK nông lâm, thủy sản 9 tháng ước khoảng 40,8 tỉ USD, tăng 15,2%; toàn ngành xuất siêu khoảng 6,9 tỉ USD, gấp 2 lần so với năm trước.
Đến nay, 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị XK trên 1 tỉ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Một số mặt hàng tăng mạnh như cà phê đạt gần 3,1 tỉ USD, tăng 37,6%; cao su trên 2,3 tỉ USD, tăng 7,8%; gạo trên 2,6 tỉ USD, tăng 9,3%; sắn và sản phẩm sắn trên 1 tỉ USD, tăng 21%; cá tra trên 1,9 tỉ USD, tăng 83,3%; tôm gần 3,5 tỉ USD, tăng 24,8%; gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỉ USD, tăng 11,4%. Với những kết quả trên, ngành Nông nghiệp sẽ hoàn thành và vượt các chỉ tiêu Chính phủ giao, như: Tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3%; tổng kim ngạch XK đạt 50- 55 tỉ USD…
Thực tế, sản xuất và XK nông sản đang đứng trước nhiều thời cơ, đó là tỉ giá ngoại tệ. Do giá USD liên tục tăng, đã vượt ngưỡng 24.000 đồng/USD, những doanh nghiệp XK sẽ được “trợ lực” bởi hàng hóa của Việt Nam sẽ trở nên rẻ hơn trên trường quốc tế.
Quá trình này được dự báo sẽ vắt sang năm 2023, bởi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ tiếp tục nâng lãi suất huy động. Điều này đồng nghĩa với giá USD còn đi lên. Ở chiều ngược lại, tiền đồng Việt Nam đang bị sức ép mất giá do thâm hụt cán cân vãng lai, góp phần giúp hàng hóa XK tiếp cận được nhiều đối tượng hơn.
Vấn đề hiện nay nhu cầu lương thực, thực phẩm tại các quốc gia phương Tây luôn tăng cao vào 3 tháng cuối năm. Đây là dịp châu Âu và Hoa Kỳ có nhiều kì nghỉ như Giáng sinh, năm mới... sẽ giúp XK nông sản của nước ta thuận lợi.
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước một số thách thức. Trong bối cảnh “lạm phát” xảy ra ở nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới, sẽ có những mặt hàng suy giảm XK. Với sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, doanh nghiệp cần tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường XK trọng điểm thông qua tiếp tục khai thác dư địa và chuyển đổi loại hình sản phẩm để phù hợp nhu cầu thị trường.
Quy tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến” đã được áp dụng trong thực tiễn một loạt các ngành hàng. Cụ thể trong ngành gỗ, khi thị trường giảm nhu cầu gỗ, đồ nội thất, Việt Nam đã chuyển qua xuất khẩu viên nén gỗ để thu về bù vào phần giảm.
Thủy sản đang tiếp tục xúc tiến vào thị trường Anh, nơi đang cần xây dựng lại hệ thống chuỗi cung ứng sau khi rời EU. Đây chính là cơ hội lớn, nhất là khi Việt Nam là đối tác quan trọng với Anh trong ASEAN. Như vậy, bên cạnh những ngành hàng giảm thì cũng có những ngành hàng tăng.
Từ nay đến cuối năm còn không đầy 3 tháng, XK gặp nhiều khó khăn do đơn hàng giảm nhiều, dấu hiệu tồn kho còn, sức mua giảm. Tuy nhiên, với mục tiêu đạt trên 50 đến 55 tỉ USD doanh nghiệp phấn đấu, cố gắng thông qua các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra. Các doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản cần lường trước khó khăn do chi phí đẩy và tỉ giá hối đoái tăng. Dòng tiền và cán cân thương mại cần được tính toán, điều chỉnh theo chu kì ngắn hạn.
Tại Phiên họp Chính phủ thường kì tháng 9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng GDP của năm nay. Theo đó, phương án thấp là cả năm 2022 tăng trưởng GDP đạt 7,5%. Phương án cao, dự kiến khoảng 8%. Muốn vậy, tăng trưởng GDP quý cuối năm này phải đạt từ 7,5 - 8%. Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, tăng trưởng XK được nhìn nhận là một trong những “chân kiềng” quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, nhiều khả năng tổng kim ngạch XNK cả năm 2022 sẽ đạt trên 700 tỉ USD, vượt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đã đặt ra là tăng 7 - 8%. Cán cân thương mại có thể duy trì xuất siêu. XK luôn là một biến số rất quan trọng trong GDP nên khi XK tăng thì GDP cũng tăng theo.