Đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền sớm đưa luật vào cuộc sống
Đời sống 17/08/2024 10:25
Năm 2024, 11 luật có hiệu lực thi hành, trong đó 3 luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Đấu thầu và Luật Thi đua, khen thưởng, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024; 8 luật: Luật Căn cước; Luật Giao dịch điện tử; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Giá; Luật Hợp tác xã; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ 1/7/2024...
Để sớm đưa pháp luật vào cuộc sống trong những năm qua,tỉnh Nam Định đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức, biện pháp phù hợp như: Tuyên truyền miệng; biên soạn tài liệu phổ thông dưới dạng hỏi đáp pháp luật, tình huống pháp luật; đưa pháp luật vào giảng dạy trong trường học; tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng câu lạc bộ pháp luật; tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, trường học; thi tìm hiểu pháp luật; tuyên truyền pháp luật thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở, thông qua tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lí, thông qua các phiên tòa xét xử công khai, lưu động... đã và đang được triển khai mạnh mẽ.
Hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật do huyện Vụ Bản tổ chức. |
Nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Nam Định tập trung theo hướng làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của Nhân dân đối với pháp luật và pháp luật có vai trò gì trong cuộc sống của họ. Bởi vậy, khi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật luôn chú trọng giải thích, phân tích cho người dân hiểu được pháp luật không chỉ bao gồm các quy định cưỡng chế, thực thi pháp luật, biện pháp giải quyết tranh chấp. Pháp luật còn bao gồm các quy định bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích sự giao dịch lành mạnh giữa các thành viên trong xã hội vì sự phát triển và bảo đảm trật tự ổn định. Pháp luật là một môi trường thuận lợi tạo điều kiện cho con người giao dịch với nhau trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm cho các thành viên trong xã hội phụ thuộc và gắn bó với nhau một cách hợp lí. Pháp luật về hôn nhân, gia đình bảo đảm cho quan hệ vợ - chồng về tài sản, con cái rõ ràng và ổn định; pháp luật về sở hữu là sự thừa nhận của xã hội đối với những quyền cơ bản của mỗi con người về quyền sở hữu; Pháp luật về kinh doanh là một môi trường pháp lí phát huy sự sáng tạo và bản lĩnh làm giàu chính đáng của các nhà doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân làm giàu cho mình và cho đất nước.
Tỉnh xác định muốn sớm đưa nhanh pháp luật vào cuộc sống thì điều quan trọng nhất là phải đưa cuộc sống vào pháp luật. Chính vì vậy, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cần phát huy quyền tham gia đóng góp ý kiến của Nhân dân vào các dự án luật. Việc tham gia đóng góp ý kiến của Nhân dân vào dự án luật có tác dụng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rất lớn và có hiệu quả. Việc lấy ý kiến vào quá trình xây dựng, ban hành và thực thi pháp luật cũng là dịp tuyên truyền, phổ biến giáo dục đưa cuộc sống vào pháp luật và cuộc sống cần có pháp luật. Từ đó,nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, bồi dưỡng tình cảm, ý thức về trách nhiệm pháp lí và khả năng tiến hành các hành vi pháp lí đúng đắn, chính xác; Phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng dẫn áp dụng pháp luật, trợ giúp pháp lí, tư vấn pháp luật và hòa giải ở cơ sở… giúp họ nâng cao hiểu biết pháp luật, tự điều chỉnh hành vi xử sự phù hợp với quy định của pháp luật, tự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Như vậy, mọi người càng ý thức hơn những giá trị xã hội và pháp luật, thái độ chấp hành hay không chấp hành của người dân đối với pháp luật là kết quả của sự am hiểu pháp luật. Mặt khác, cũng cho thấy con người chấp hành pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh là khi họ có thái độ đúng đắn đối với pháp luật.
Với những kết quả đạt được trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Nam Định đã tạo được cơ sở pháp lí vững chắc cho việc triển khai các hoạt động. Đặc biệt, là các hoạt động phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và các tầng lớp Nhân dân. Hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở các cấp, các ngành mà ngành Tư pháp là nòng cốt đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể xã hội và toàn dân; từng bước hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời.
Để tiếp tục đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật lên một tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài việc thực hiện các biện pháp đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, củng cố, tăng cường đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Tỉnh Nam Định còn luôn quan tâm đến hoàn thiện hệ thống pháp luật - tạo môi trường thuận lợi để pháp luật đi vào cuộc sống.
Hiện nay, chúng ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội. Tuy nhiên, tình trạng chung hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều vướng mắc và chính những vướng mắc này làm giảm hiệu lực của pháp luật trong cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến khâu thực thi pháp luật. Các văn bản pháp luật còn thiếu cụ thể, rõ ràng; trùng lặp chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn nhau; nhiều văn bản thiếu tính khả thi, ổn định. Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật chưa được chú trọng. Trên thực tế có tình trạng khó phân biệt văn bản nào còn hiệu lực, văn bản nào hết hiệu lực… làm cho ngay cả những cán bộ, công chức có trách nhiệm thực thi pháp luật cũng gặp khó khăn. Do đó, một hệ thống pháp luật muốn phát huy tác dụng tốt trong cuộc sống, thì phải bảo đảm các yếu tố đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch theo đúng tinh thần của chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.
Khắc phục vướng mắc trên, UBND tỉnh thường xuyên có kế hoạch tự kiểm tra, kiểm tra, rà soát hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó, từng cơ quan, đơn vị, ban, ngành và UBND các cấp ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của Luật và Nghị định hướng dẫn. Hệ thống văn bản quy phạm của tỉnh ban hành đã điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Các văn bản ban hành được triển khai sẽ được thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, có tác động tích cực, tạo hành lang pháp lí trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước góp phần vào việc quản lí nhà nước ở địa phương.