Đấu giá đất có ‘quân xanh-quân đỏ’, thổi giá, dìm giá, đầu cơ
Tin tức - Sự kiện 16/03/2022 17:02
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 16/3. Ảnh: VGP |
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) chất vấn, cử tri nêu việc đấu giá đất ở nhiều nơi, nhà đầu tư đấu giá trên trời rồi bỏ cọc, như tại khu đô thị Thủ Thiêm, TPHCM. Việc này làm nhiễu loạn thị trường, sốt đất ảo, tạo mặt bằng giá đất mới, gây khó khăn cho xây dựng, phát triển. Bộ có giải pháp nào cho tình trạng này?
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, việc đấu giá đất thời gian vừa qua không chỉ là thổi giá mà còn có dìm giá; "quân xanh, quân đỏ" rất bức xúc. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng, làm biến động thị trường, thất thoát tài sản nhà nước; tạo mặt bằng giá đất mới, gây ảnh hưởng đến hệ thống kinh tế.
"Đằng sau việc thổi giá đất còn có nhiều hệ lụy là dù giá đất đấu giá cao có thể là ảo, nhưng lại dùng để thế chấp vay tiền ngân hàng, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia và nhiều vấn đề khác", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đề cập đến nguyên nhân, Bộ trưởng cho biết, việc đấu giá đất đang được điều chỉnh bởi Luật Đấu giá tài sản, Luật Đất đai, các quy định của pháp luật về thuế. Vì có nhiều luật điều chỉnh nên về quy trình, trình tự, phương thức đấu giá đất còn bất cập. Giá trị tài nguyên như đất đai không giống với các vật thể giá trị khác. Vì vậy, phải có quy định về phương thức, trình tự đấu giá với đất đai chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, hiện đã có quy định về điều kiện doanh nghiệp tham gia đấu giá đất, nhưng chưa quy định cụ thể về điều kiện năng lực, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn. "Phải có chế tài mạnh mẽ hơn, nếu doanh nghiệp sau khi đấu giá xong rồi bỏ cọc thì phải bị xử lý, để lần sau họ không tham gia đấu giá được nữa. Như vậy mới đủ sức răn đe", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đồng thời đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để xử lý cơ quan công quyền và doanh nghiệp lợi dụng vấn đề đấu giá.
Đề cập đến vấn đề về thắt chặt các quy định về đấu giá đất đai, tình trạng sốt đất hiện nay hay "đánh võng" giá trị tài sản để vay ngân hàng của Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cần quy định chặt chẽ việc trúng đấu giá đất thì người trúng đấu giá phải nộp đủ tiền trong vòng 10 ngày. Quy định kéo dài đến 90 ngày dẫn đến doanh nghiệp trúng đấu giá đất có thời gian "thổi giá" các khu đất liền kề hoặc bỏ cọc tiền trúng đấu giá đất sau khi đã lũng đoạn thị trường. Đồng thời tăng số tiền đặt cọc của người tham gia đấu giá, đánh giá nghiêm túc năng lực tài chính và kinh nghiệm có sự thẩm định của cơ quan thẩm quyền.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, cần xử lý nghiêm việc đất để hoang hoá không đưa vào sử dụng. Đặc biệt, cần đánh thuế mạnh việc "đầu cơ", "lướt sóng" đất đai để thu lợi.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng) chất vấn: Pháp luật đấu giá tài sản còn phức tạp, nhiều cơ quan tham gia, giải pháp về vấn đề này thế nào?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, để hạn chế tình trạng này cần xem xét các giải pháp cụ thể về đấu giá quyền sử dụng đất trực tiếp hay trực tuyến, đấu giá một hay hai vòng và tăng cường các biện pháp xử phạt nghiêm khắc để hạn chế tình trạng vi phạm trong đấu giá đất hiện nay.
Doanh nghiệp đấu giá đất ở Thủ Thiêm nếu không nộp tiền sử dụng đất có thể sẽ bị cưỡng chế Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh Lê Duy Minh cho biết, đơn vị đang đôn đốc hai doanh ... |
Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm, Capital One Financial có "thế chân"? Trong phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, Công ty Capital One Financial là một trong những doanh nghiệp tham gia đấu giá. |