Đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm của Chủ tịch nước, Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021
Tin tức - Sự kiện 29/03/2021 22:21
Các ý kiến phát biểu thống nhất, báo cáo nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Chính phủ được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, sâu sắc về các mặt công tác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đều ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, trách nhiệm và những thành tựu, dấu ấn nổi bật của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Đại biểu cho rằng, thành công của nhiệm kỳ là kết quả tổng hợp của con đường đoàn kết, liêm chính do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cầm trịch; là kết quả của sự chuẩn mực cầm cương của Quốc hội; sự hành động quyết liệt, thành tâm của Chính phủ; qua đó, khơi dậy niềm tin của người dân và doanh nghiệp, cùng chung sức, đồng lòng đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thiên tai, dịch bệnh; thích ứng nhanh với những biến động toàn cầu.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ này của Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ do có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý của các thiết chế lãnh đạo chủ chốt của đất nước: Ban Chấp hành Trung ương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng thuận trên dưới một lòng của cả hệ thống chính trị, đồng bào, cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả đã trở thành cứu cánh và sức mạnh nội sinh để đất nước có thể vượt qua thách thức, đạt tới thành công.
Cùng với những thành tựu, kết quả đạt được, các vị đại biểu Quốc hội cũng ghi nhận và đánh giá cao các báo cáo đã thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan và đề ra giải pháp khắc phục.
Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), nhìn lại cả chặng đường đã qua, mong muốn huy động tối đa nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước chưa đạt được điều như mong muốn. Trong cả nhiệm kỳ, có rất nhiều dự án phải chuyển từ hình thức đầu tư theo hình thức đối tác công tư sang 100% vốn nhà nước, đó là hàng loạt các dự án thuộc tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, các dự án thuộc tuyến đường ven biển và nhiều dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) ở một số địa phương. Hiện nay, tỷ lệ đầu tư từ khối tư nhân trong tổng vốn đầu tư tại thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt được 45,6%, thấp hơn nhiều nước trên thế giới.
Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm kỳ này vẫn còn một số hạn chế, một số vụ việc nổi cộm xảy ra chưa được quan tâm giải quyết triệt để, gây bức xúc dư luận. Tình trạng khiếu nại, tố cáo còn nhiều, nhất là vấn đề đất đai; việc giải quyết kiến nghị cử tri còn rất chậm trễ, còn hàng trăm kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Bên cạnh đó, một số dự án luật trình Quốc hội chưa đảm bảo chất lượng, chưa phù hợp với những nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền.
Các đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục, phổ biến pháp luật, thẩm định dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật và kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật; duy trì mạnh mẽ kỷ cương nghiên cứu xây dựng và thực thi pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật ngay từ khi bắt đầu triển khai để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh những lệch lạc, sai phạm, không để vi phạm kéo dài. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm ngay những thủ tục hành chính mang tính hình thức, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, tạo cơ hội tham nhũng. Đây là vấn đề bức xúc, kìm hãm việc huy động nguồn lực và sự phát triển của đất nước. Đồng thời, Chính phủ nên dành sự quan tâm hơn nữa trong công tác tiếp dân, giải quyết kiến nghị của cử tri, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, thi hành án hành chính, để bảo vệ quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước; quan tâm xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ hiện nay.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Tại phiên thảo luận cùng ngày, các vị đại biểu Quốc hội tán thành cao với các bài học kinh nghiệm, phương hướng, nhiệm vụ được đề ra trong các báo cáo, đặc biệt trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết tộc trong suốt nhiệm kỳ mới để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; khơi dậy tinh thần dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Các đại biểu cho rằng, thành công của Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 vừa qua, còn do tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng tâm, hiệp lực của nhân dân. Dẫn chứng về việc chống dịch COVID-19, đại biểu chỉ ra, mỗi lần dịch bùng phát, dù ở Hà Nội, Đà Nẵng, hay Hải Dương, lập tức có hàng ngàn cán bộ Y tế xung phong vào vùng dịch, hàng ngàn chiến sĩ Công an giúp dân dẹp dịch, hàng ngàn bộ đội nơi biên cương lặn lội ngăn người nhập cảnh trái phép. Bên cạnh đó, còn có hàng chục triệu người cùng chung tay góp sức trực tiếp, gián tiếp chống dịch. Tinh thần chống dịch như chống giặc không phải là khẩu hiệu, mà thực sự là hành động đồng tâm và việc làm hợp lực có thật.
Hàng ngàn năm nay, với tinh thần đoàn kết, thống nhất đó, dân tộc ta chiến thắng tất cả những giặc thù hùng mạnh nhất đến xâm lược nước ta. Ngày nay, cũng nhờ tinh thần đó, tinh thần đoàn kết, thống nhất, mà Việt Nam, một đất nước nguồn lực còn hạn chế, nhưng đã làm được những kỳ tích chống dịch COVID-19, đại dịch khủng khiếp làm kiệt quệ cả thế giới. Bạn bè quốc tế đều thấy điều đó và rất ngưỡng mộ tinh thần đó của dân tộc Việt Nam ta.
Cùng với đó, các ý kiến phát biểu cũng kiến nghị một số nội dung, đề nghị Chủ tịch nước, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Cụ thể như, lãnh đạo, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa để sớm trình Quốc hội; triển khai hiệu quả chiến lược pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác tổ chức thi hành pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với hoàn thiện cơ chế và tăng cường kiểm soát quyền lực hiệu quả; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức...