Đái tháo đường và tăng huyết áp: Nhân đôi nguy cơ đột quỵ
Sức khỏe 24/09/2018 15:09
Vì sao đái tháo đường kèm tăng huyết áp làm gia tăng nguy cơ đột quỵ?
Đột quỵ não (hay còn gọi là tai biến mạch máu não) là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến tử vong và để lại nhiều hậu quả nặng nề cho người bệnh. Có hai loại đột quỵ là: đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ nhồi máu não.
Ở bệnh nhân đái tháo đường: Do đường huyết tăng cao làm tăng lắng đọng cholesterol tại thành mạch, làm gia tăng các mảng xơ vữa tại thành động mạch, giảm khả năng đàn hồi của mạch máu, tạo cơ hội thuận lợi cho các cục máu đông hình thành, có thể gây bít tắc mạch máu. Thêm vào đó, mảng xơ vữa cũng có thể mất ổn định, vỡ ra và di chuyển trong lòng mạch, làm ngưng trệ dòng máu. Khi mạch máu não bị tắc, phần não không được nuôi dưỡng sẽ dần suy kiệt và chết đi, khiến phần cơ thể chịu sự điều khiển ở phần não bị chết tê liệt, gây ra đột quỵ nhồi máu não.
Ở người tăng huyết áp: Do tăng huyết áp cũng khiến động mạch bị xơ vữa và tạo nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não (gây ra đột quỵ nhồi máu não). Đó là do huyết áp tăng cao kéo dài khiến động mạch khắp cơ thể căng lên, tổn thương và lâu dần dẫn đến xơ vữa, tạo điều kiện cho sự hình thành và phát triển của cục máu đông. Hậu quả là cục máu đông di chuyển trong lòng mạch sẽ gây bít tắc ở các mạch máu nhỏ. Nếu mạch máu ở tim bị bít tắc sẽ gây nhồi máu cơ tim, nếu mạch máu nhỏ ở não bị tắc sẽ gây ra hiện tượng nhồi máu não.
Ngoài ra, tăng huyết áp cũng có thể khiến mạch máu trong não căng lên và vỡ ra, gây đột quỵ xuất huyết não. Khi đái tháo đường đi kèm tăng huyết áp, người bệnh có nguy cơ đối mặt với biến chứng nhanh gấp đôi so với người chỉ bị tăng huyết áp hoặc bị đái tháo đường.
Chế độ ăn nhiều rau củ tốt cho bệnh nhân đái tháo đường và tăng huyết áp. |
Làm sao để phòng ngừa đột quỵ ở bệnh nhân này?
Nguyên tắc kiềng ba chân luôn là nguyên tắc quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường trong điều trị và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh này gây ra. Đó là chế độ dinh dưỡng, luyện tập và dùng thuốc.
Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần áp dụng chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường: Ăn thực phẩm ít đường, ít mỡ, nhiều chất xơ và rau quả để ổn định đường huyết. Đồng thời, người bệnh cũng nên ăn nhạt (không quá 1 muỗng cà phê muối mỗi ngày); Thức ăn nên chế biến bằng các phương pháp như luộc, hấp, tránh thức ăn xào, rán, chiên...; Không nên ăn hoặc chế biến thực phẩm bằng mỡ động vật, nên thay thế bằng dầu thực vật như dầu gạo, dầu ôliu, dầu mè…; Ngừng uống rượu và hút thuốc (nguyên nhân gây tăng huyết áp)...
Bên cạnh đó, người bị đái tháo đường cũng nên giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu và có một chế độ luyện tập phù hợp. Các lưu ý trong luyện tập cho người bị đái tháo đường là nên tập các bài tập vừa sức để tăng cường lưu thông máu và cải thiện chỉ số huyết áp và đường huyết. Đồng thời, nên tập luyện đủ 30 phút mỗi ngày. Những ngày mùa đông, rét mướt nên tập các bài tập trong nhà và không nên tập quá sớm và quá khuya, không nên tập trước 6 giờ sáng và sau 8 giờ tối để cơ thể không bị nhiễm sương gió lạnh.
Về chế độ dùng thuốc, người bệnh nên dùng đúng liều, đủ liều và liên tục các thuốc điều trị và có thể sử dụng Đông Tây y kết hợp để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất, phát huy được ưu điểm của cả hai phương pháp. Nhờ đó, giúp hạ và ổn định đường huyết, ngăn ngừa được đột quỵ ập đến và các biến chứng khác do đái tháo đường gây ra.
Suckhoedoisong.vn