Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Phân bón chịu thuế suất GTGT 5% là chấp nhận được
Sự kiện 29/10/2024 13:54
Sáng ngày 29/10/2024, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế…
Phương án 5% là chấp nhận được
Vấn đề thuế suất với phân bón, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, đây là chủ đề được tranh luận rất sôi nổi qua nhiều lần thảo luận tại các kỳ họp Quốc hội gần đây. Dự thảo quy định mặt hàng này quay lại diện chịu thuế GTGT 5% như ban đầu Chính phủ đã trình. Nếu để hài hòa giữa các bên thì có lẽ phương án chuyển các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế với các mức thuế suất khác nhau và có thể quy định mức thuế suất là 1% hoặc 2% hay 3% với mặt hàng phân bón là tối ưu hơn. Còn phương án 5% tại dự thảo tuy chưa thực sự hoàn hảo song cân nhắc về nhiều mặt thì có lẽ là phương án chấp nhận được.
ĐB Hà Sỹ Đồng đóng góp ý kiến vào Luật thuế GTGT sửa đổi sáng ngày 29/10 |
“Đã có nhiều ý kiến lo ngại như vậy thì người nông dân là người trực tiếp sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động bất lợi của quy định này. Đúng là trước mắt thì có thể người nông dân sẽ chiụ thiệt, nhưng có lợi về lâu dài”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phân tích.
Về lâu dài thì phân bón trong nước không còn bị bảo hộ ngược, nên sản xuất trong nước sẽ được bảo đảm tốt hơn. Nên nguồn cung trong nước sẽ mạnh hơn, ko bị phụ thuộc vào phân nhập khẩu. Với bối cảnh thế giới hiện nay, tự chủ được phân bón trong nước thì rất có lợi.
“Khi doanh nghiệp phân bón trong nước làm ăn tốt, thì nguồn cung ổn định, nông dân sẽ giảm rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.
Áp dụng để tránh doanh nghiệp bị đánh thuế 2 lần
Góp thêm 2 vấn đề vào Dự thảo Luật thuế GTGT sửa đổi, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng:
Thứ nhất, Thuế GTGT là thuế đánh vào người tiêu dùng cuối cùng. Nếu người tiêu dùng ở nước ngoài thì thuế GTGT là 0%.
Đối với hàng hoá xuất khẩu, tức là người tiêu dùng ở nước ngoài, thì được hưởng thuế suất 0%. Điều này được áp dụng từ nhiều năm qua. Doanh nghiệp chỉ cần có hợp đồng bán hàng cho nước ngoài, hàng đã làm thủ tục hải quan ra khỏi biên giới là được hướng thuế 0%, doanh nghiệp xuất khẩu được hoàn thuế GTGT đầu vào.
Thứ hai, việc đánh thuế dịch vụ xuất khẩu sẽ khiến dịch vụ được cung cấp của doanh nghiệp Việt Nam chịu hai lần thuế, một lần là thuế GTGT của Việt Nam và một lần nữa là thuế GTGT của nước nhập khẩu.
Khuyến khích xuất khẩu hàng hoá là vô cùng quan trọng, mang lại động lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Vì thế việc thu hẹp như dự thảo trước là không cần thiết,
Tại văn bản ngày 21/10 gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ vẫn đề nghị không áp dụng thuế suất 0% đối với “các sản phẩm có nội dung thông tin số thuộc nhóm giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo cung cấp trên nền tảng số. Nhưng trong các dịch vụ xuất khẩu, dịch vụ có doanh thu lớn hiện nay là dịch vụ nội dung số, công nghệ thông tin. Các doanh nghiệp CNTT của Việt Nam hiện nay xuất khẩu một lượng rất lớn các phần mềm, ứng dụng, các sản phẩm giải trí như video, clip, phim, âm nhạc…
Khách hàng sử dụng trên toàn cầu, trong đó có khách từ Việt Nam, khách từ nước ngoài. Dịch vụ này vừa giúp mang về ngoại tệ, lại giúp xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia, do hình ảnh đất nước được đưa ra nước ngoài.
Việc không cho hưởng thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu khiến các doanh nghiệp công nghệ thông tin tìm cách ra nước ngoài mở doanh nghiệp, vì như vậy sẽ tránh được việc bị đánh thuế hai lần.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Hà Sỹ Đồng tán thành với việc tiếp tục áp dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu như quy định hiện hành.