Đại biểu Hà Sỹ Đồng: Cần giám sát đặc biệt giao dịch có giá trị lớn bất thường
Sự kiện 01/11/2022 13:13
Ngày 1/11/2022, chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).
Góp ý vào dự thảo sửa đổi Luật, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh cần phải giám sát đặc biệt một số giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp theo quy định của Chính Phủ. Tuy nhiên, Giám sát đặc biệt một số giao dịch của dự thảo Luật thì chỉ yêu cầu đối với các giao dịch có liên quan đến danh sách của FATF hoặc danh sách cảnh báo. Do đó, xem xét bổ sung đầy đủ các trường hợp cần giám sát đặc biệt tại dự thảo Luật theo các nội dung đã nêu trong Tờ trình 344/TTr-CP.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại Hội trường sáng 1/11/2022 |
Tán thành việc sửa đổi dự thảo Luật này theo Tờ tình của Chính phủ và ý kiến một số đại biểu đã phát biểu, đại biểu Đồng đề nghị dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung giải thích cho một số từ ngữ tại Điều 3, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện báo cáo chuyển tiền điện tử gửi Ngân hàng Nhà nước, cần xem xét bổ sung tiêu chí tính trên một Khách hàng đối với khái niệm “giao dịch có giá trị lớn”.
Về thu thập, xử lý và chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền: Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung quy định về việc trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin phòng chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Tuy nhiên, trên thực tế, khi thiết lập quan hệ giữa tổ chức tài chính với các đối tác trong nước và ngoài nước cũng phát sinh yêu cầu về xử lý, chuyển giao thông tin nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền.
“Vấn đề này nên xem xét bổ sung điều khoản làm cơ sở pháp lý, cho phép tổ chức tài chính được cung cấp thông tin cho các đối tác trong và ngoài nước nhằm mục đích phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và vũ khí hủy diệt hàng loạt”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ.
Về quan hệ ngân hàng đại lý, đại biểu Đồng cho rằng, trên thực tế, các ngân hàng không chỉ phát sinh quan hệ với nhau mà còn với các đối tác bao gồm nhưng không giới hạn: tổ chức chuyển tiền quốc tế, đối tác nước ngoài. Vì vậy cần xem xét bổ sung điều khoản làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các mối quan hệ này.
Góp thêm ý kiến vào một số nội dung khác của dự thảo Luật, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề xuất bổ sung 2 vấn đề:
- Một là, nghiên cứu và ban hành hướng dẫn chi tiết đối với “các biện pháp tăng cường cập nhật thông tin khách hàng phù hợp với mức độ rủi ro về rửa tiền” tại Điều 18 Giám sát đặc biệt một số giao dịch; “quy trình tuyển dụng nhân sự” tại Điều 23. Xây dựng quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền; “áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro” đối với Điều 17 Các sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ mới.
- Hai là, bổ sung giải thích “giao dịch có liên quan” tại Điều 9 Nhận biết Khách hàng; “sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới” tại Điều 17 và “bản chất của mối quan hệ kinh doanh” tại Điều 10.
Đồng quan điểm với đại biểu Hà Sỹ Đồng, đại biểu Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) đề nghị rà soát kỹ các điều khoản về giải thích từ ngữ và một số nội dung để đảm bảo tự tường minh, khả thi.
Theo đại biểu Tân, tại Điều 2 trong dự thảo Luật có quy định rằng, đối tượng áp dụng của Luật là: Tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính; Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có các giao dịch với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Trong đó, chưa có giải thích rõ ràng về 2 đối tượng áp dụng là: Tổ chức tài chính; Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Vì vậy, dự thảo Luật cần bổ sung nội dung giải thích rõ về các đối tượng này.
Tại khoản 6 Điều 3 trong dự thảo Luật quy định: Chuyển tiền điện tử là bất kỳ giao dịch nào được thực hiện theo yêu cầu của người khởi tạo thông qua tổ chức tài chính bằng phương tiện điện tử nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng. Người thụ hưởng có thể là người khởi tạo.
Để đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu, dự thảo Luật nên sửa đổi thành: Chuyển tiền điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của người khởi tạo thông qua tổ chức tài chính nhằm chuyển một số tiền nhất định cho người thụ hưởng tại tổ chức tài chính của người thụ hưởng, đại biểu Tân kiến nghị.
Góp ý về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), nhiều đại biểu sáng ngày 1/11 bỏ sự quan tâm đến giao dịch bằng loại tiền ảo qua hình thức online; kiểm soát giao dịch của các tội phạm tẩu tán tài sản.
Theo đó, ngoài giao dịch bằng tiền mặt bằng vàng hoặc ngoại tệ tiền mặt được Nhà nước công nhận thì thực tế còn có các hoạt động liên quan đến tiền ảo. Giao dịch trên nền tảng online đang rất phổ biến, chưa được kiểm soát và dự báo thời gian tới việc mở rộng hội nhập quốc tế, các giao dịch tiền ảo sẽ phát triển. Đây là điều kiện thuận tiện cho các hành vi rửa tiền mà chúng ta chưa lường hết được. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật bổ sung tcụm từ hoặc các giao dịch khác vào sau cụm từ “ngoại tệ tiền mặt”.
Nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu đối với khoản 1, Điều 42 của dự thảo luật quy định thời hạn Ngân hàng Nhà nước chuyển giao thông tin hoặc hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ việc xác minh, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong thời hạn 10 ngày làm việc là chưa hợp lý vì quá dài. Do đó nên rút ngắn thời hạn này trong thời hạn còn 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo nghi ngờ giao dịch liên quan đến rửa tiền của đối tượng báo cáo thì sẽ phù hợp hơn với các thời hạn báo cáo, thời hạn giao dịch…