Cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang được giảm 9 tháng tù
Tin pháp luật 27/02/2020 11:35
Trước đó, ngày 25/10/2019, Hội đồng xét xử sơ thẩm TAND tỉnh Hà Giang đã tuyên phạt bị cáo Chính 24 tháng tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi (Điều 358 BLHS năm 2015). Sau phiên toà sơ thẩm, bị cáo Chính làm đơn kháng cáo gửi TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét hành vi của mình không cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Theo bản án sơ thẩm, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) đã bàn bạc thống nhất với Vũ Trọng Lương (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 môn trắc nghiệm. Mặc dù bị cáo Hoài không trực tiếp thực hiện hành vi can thiệp sửa kết quả bài làm của các thí sinh để nâng điểm cho thí sinh, nhưng Hoài đưa danh sách 93 thí sinh cần được nâng điểm cho Lương và Lương trực tiếp nhận giúp nâng điểm 14 thí sinh. Sau đó, Lương thực hiện thao tác trên máy tính, sửa kết quả 309 bài thi để nâng điểm cho 107 thí sinh.
Bị cáo Triệu Thị Chính. |
Bị cáo Phạm Văn Khuông, thời điểm là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã nhờ Hoài nâng cho con mình 13,3 điểm. Bị cáo Lê Thị Dung (cựu Công an tỉnh Hà Giang) do có mối quan hệ quen biết nên đã nhờ Hoài giúp đỡ 20 thí sinh, kết quả cả 20 thí sinh đều được nâng điểm.
Đối với cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang Triệu Thị Chính, Toà án cấp sơ thẩm xác định, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bị cáo Chính là người có chức vụ quyền hạn, trong khi kỳ thi diễn ra đã đưa danh sách 13 thí sinh cho Hoài để nhờ can thiệp.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Chính vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét hành vi của mình không cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm khẳng định, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang, bị cáo Chính khi đó là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang đã có hành vi nhờ nâng điểm cho các thí sinh. Kết quả điều tra đã xác định, ngày 29/6/2018, bà Nguyễn Thị Nga- chuyên viên Sở Tài chính tỉnh Hà Giang (Bà Nga là vợ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn) nhắn cho bị cáo Chính nhờ giúp cho thí sinh N.B.N tại 3 môn thi Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Nội dung tin nhắn như sau: “Bạn à, mình là Nga Sở Tài chính. Mình có đứa cháu thi lớp 12 vừa rồi, bạn giúp mình nhé”. Cũng trong ngày 29/6, bà Nga gửi tin nhắn khác: “Bạn thông cảm nhé, đang thời gian chấm bài, mình chỉ nhắn tin, không gọi điện, cảm ơn bạn nhiều”.
Ngày 1/7/2018, bị cáo Chính nhắn tin trả lời: “Hôm nay em mới đọc tin, em đang làm thi, tối ăn cùng đoàn thanh tra Bộ. Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận, khó khăn lắm chị ạ. Lại chấm bằng máy nữa nên không làm gì được, có gì chị thông cảm với em nhé”. Bà Nga sau đó gửi tin lại: “Chị cảm ơn nhé, em cứ xem xét giúp được đến đâu hay đến đó, chị cũng biết mà”. Bị cáo Chính trả lời: “Dạ, em cảm ơn chị, em sẽ cố gắng trong khả năng”.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn tại phiên toà phúc thẩm, Hội đồng xét xử khẳng định, dù bị cáo Chính kháng cáo đề nghị xem xét cho bị cáo không phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, nhưng bị cáo Chính lại không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh mình không phạm tội. Do đó, bản án của Toà án cấp sơ thẩm áp dụng đối với bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
“Tuy nhiên, do Toà án cấp sơ thẩm chưa xem xét và áp dụng hết các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Chính nên Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo Chính”, Chủ tọa phiên toà cho biết.
Với quan điểm trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giảm án cho Triệu Thị Chính từ 24 tháng xuống còn 15 tháng tù theo đúng tội danh mà Toà án cấp sơ thẩm đã xác định.