Cuộc xung đột giữa Israel và phong trào Hamas: Đề xuất hướng tới lệnh ngừng bắn toàn diện
Quốc tế 11/06/2024 10:32
Trong bối cảnh đó, đề xuất mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden gồm 3 giai đoạn hướng tới một lệnh ngừng bắn toàn diện để đổi lấy việc trả tự do cho các con tin được đánh giá là một gợi mở để các bên cân nhắc, nhưng kết quả của việc cân nhắc đó vẫn còn để ngỏ.
Đề xuất nhận được sự hoan nghênh ngay lập tức của dư luận quốc tế, vốn đang mong mỏi thảm cảnh nhân đạo với người Palestine tại Dải Gaza sẽ sớm được chấm dứt. Đã có hơn 36.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hai cơ quan của Liên Hợp Quốc (LHQ), gồm Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) liên tục công bố báo cáo về thảm họa nhân đạo ở Dải Gaza, với cảnh báo nạn đói ở cấp độ cao nhất nếu xung đột tiếp diễn. Các quốc gia trung gian Mỹ, Ai Cập và Qatar đang nỗ lực thúc đẩy hiện thực hóa đề xuất ngừng bắn. Trong vòng đàm phán mới về thỏa thuận ngừng bắn, Ai Cập mời thêm 2 phái đoàn của Palestine đến Cairo để thảo luận, gồm Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine (PFLP) và phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ).
Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công của Israel tại thành phố Khan Younis, miền Nam Dải Gaza ngày 31/5/2024. |
Hamas đón nhận đề xuất với tinh thần “tích cực”, tuyên bố sẵn sàng đàm phán để tiến tới một “thỏa thuận đầy đủ”. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của lực lượng này cũng cho rằng đề xuất "chỉ là những lời nói suông" và họ chưa nhận được bất kì cam kết bằng văn bản nào liên quan đến lệnh ngừng bắn.
Phía Israel vẫn chưa đưa ra quan điểm rõ ràng. Dựa trên tinh thần của đề xuất và những gì các nhà lãnh đạo nước này tuyên bố, có thể thấy vẫn còn những khoảng vênh quá lớn. Ngay sau khi đề xuất được công bố, Thủ tướng Benjamin Netanyahu khẳng định: “Các điều kiện của Israel về kết thúc chiến tranh không thay đổi... và Israel sẽ tiếp tục khẳng định những điều kiện này phải được đáp ứng trước khi lệnh ngừng bắn vĩnh viễn được áp dụng".
Giới phân tích nhận định, so với các đề xuất trước do Qatar và Ai Cập đưa ra và đều thất bại, đề xuất của Mỹ không có điểm đột phá do không đưa ra giải pháp rõ ràng cho khác biệt mấu chốt trong lập trường của hai bên tham chiến. Với Hamas là “Israel phải ngừng bắn và rút quân vĩnh viễn”, còn với Israel là “Hamas phải bị triệt tiêu năng lực quân sự và năng lực quản lí”. Tuy nhiên, các diễn biến trên chiến trường và chính trường thời gian qua sẽ có những tác động tới quan điểm của cả hai bên, giúp làm tăng cơ hội thành công cho vòng đàm phán lần này.
Chiến dịch tấn công của Quân đội Israel (IDF) vào thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza, đang có những bước tiến ngoài dự đoán. Trong vòng chưa đầy một tháng đã có khoảng 1 triệu người dân được sơ tán sau khi IDF thay đổi chiến thuật. Tuy nhiên, chiến dịch cũng gây ra thiệt hại nghiêm trọng về sinh mạng của người dân Gaza. Mới nhất, ngày 6/6, IDF thừa nhận cuộc không kích vào một trường học của LHQ ở miền Trung Gaza đã khiến ít nhất 37 người thiệt mạng. Chính phủ Israel và cá nhân Thủ tướng Netanyahu nói riêng đang đứng trước các sức ép lớn gia tăng từng ngày từ dư luận quốc tế.
Ở trong nước, Thủ tướng Netanyahu cũng đối mặt với sức ép chia rẽ lớn chưa từng có trong xã hội, giữa một bên cho rằng ngừng bắn là giải pháp duy nhất lúc này, dù cái giá phải trả sẽ ra sao, để có thể đưa các con tin còn sống trở về; và bên còn lại nhất quyết mục tiêu lật đổ Hamas và ngăn chặn xảy ra các cuộc tấn công trong tương lai.
Vai trò của Mỹ khiến đề xuất ngừng bắn mới có cơ hội thành công hơn. Dường như Washington đã ngầm bảo đảm với cả Israel và Hamas rằng các yêu cầu mấu chốt của họ sẽ được dàn xếp ổn thỏa. Tuy nhiên, so với các đề xuất trước, sự khác biệt trong lập trường cốt lõi của Hamas và Israel vẫn không thay đổi, khiến nguy cơ các cuộc đàm phán lần này thất bại cũng rất cao.
Việc các thành viên Nội các chiến tranh dọa rời bỏ chính phủ khiến ông càng phụ thuộc vào phe cực hữu. Đây là lý do dư luận đồn đoán, một mặt nhà lãnh đạo Israel phải ra các tuyên bố cứng rắn, mặt khác phải ngầm thỏa hiệp với Mỹ để có thể thực hiện phần nào yêu cầu của đồng minh, trong bối cảnh ông đang chịu sức ép tứ bề. Ở Israel thời điểm này, Thủ tướng Netanyahu vẫn được coi là nhà lãnh đạo kinh nghiệm và bản lĩnh bậc nhất. Được ví là “chính trị gia của những tình huống khó khăn”, những tính toán sắp tới của ông khiến cuộc chiến tại Dải Gaza, dù đã trải qua 8 tháng, vẫn khó dự đoán hơn bao giờ hết…