Cùng nhau vượt qua đại dịch Covid-19
Kinh tế 03/08/2021 13:17
Doanh nghiệp kêu cứu
Vào ngày 29/7, tỉnh Tiền Giang đã quyết định cho tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) trong khu, cụm công nghiệp kể từ ngày 5/8 cho đến khi có thông báo mới, do đã phát sinh nhiều ổ dịch Covid-19 phức tạp trong các khu vực này.
Ngay sau khi có quyết định của UBND tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) “kêu cứu”.
Trong đơn kêu cứu, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, trình bày rằng để chấp hành chủ trương của tỉnh Tiền Giang, Công ty Vạn Đức Tiền Giang đã chi hàng chục tỉ đồng để bố trí sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ).
Tuy nhiên, theo bà Khanh, việc yêu cầu tạm dừng hoạt động như nêu trên của tỉnh Tiền Giang đã dẫn đến các thiệt hại khác cho đơn vị này, bao gồm đứt gãy chuỗi cũng ứng, cá tra nuôi bị quá lứa do mùa thuận cá tăng trưởng nhanh.
Chế biến cá tra tại nhà máy Công ty TNHH Vạn Đức |
Bà Khanh cho biết, việc sản xuất “3 tại chỗ” chỉ đạt 50% công suất, đã làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất, nuôi và xuất khẩu, cho nên, nếu phải ngưng sản xuất đột ngột sẽ gây thiệt hại kép đến toàn chuỗi cung ứng, cá nuôi giá thành cao, vượt size không bán được, lãi ngân hàng, nợ quá hạn…
Ngoài ra, theo Công ty Vạn Đức Tiền Giang, thời gian này là cơ hội để DN xử lí tồn kho, cho nên, nếu DN bị ngưng sản xuất sẽ tạo ra tổn thất “kép” không đáng có. Bên cạnh đó, việc tạm dừng sản xuất sẽ gây mất niền tin của công nhân với lãnh đạo, mất niềm tin của khách hàng; tạo mối nguy cho cộng đồng về kiểm soát dịch bệnh….
Trước tình hình trên, Công ty Vạn Đức Tiền Giang đã có đơn kêu cứu đến Bộ NN&PTNT đề nghị xem xét, cho phép DN được tiếp tục sản xuất “3 tại chỗ” nghiêm túc, góp phần vào phát triển sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp ảnh hưởng đến phát triển nền kinh tế.
“Thiết nghĩ, làm tốt thì phải cho duy trì mới đúng đạo lí, và sau này DN mới có niền tin vào chỉ đạo của nhà nước”, đơn kêu cứu của Công ty Vạn Đức Tiền Giang viết.
Dịch Covid-19 đang khiến hoạt động của nhiều DN chế biến nông sản như gỗ, thủy sản, trái cây, nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam đang gặp nhiều khó khăn khi nhiều công nhân nằm trong khu cách li, phong tỏa. Chấp nhận tăng chi phí sản xuất, duy trì “3 tại chỗ”, công nhân sớm được tiêm vaccine Covid-19 là mong mỏi của nhiều DN chế biến nông sản lúc này.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid -19, hơn một tháng qua, hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rơi vào tình trạng “tắt nghẽn”. Trước bối cảnh đó, Hội Nông dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp thực hiện một số giải pháp, cách làm sáng tạo bước đầu giúp người dân, đặc biệt là những hộ người cao tuổi (NCT) giải quyết tình trạng ách tắt trong khâu tiêu thụ hàng hóa nông sản… Đến nay, đơn vị đã giúp nông dân tiêu thụ được 33.750 trứng vịt, trên 100kg ếch làm sạch, 149kg bông bí và các loại nông sản khác như chanh, ngó sen, khổ qua, mướp...Tuy nhiên, còn một số loại nông sản như: ếch, chanh, cá trê vàng, cá tai tượng có số lượng lớn kết nối còn chậm, Hội Nông dân huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện và Hội Nông dân tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tìm kiếm, kết nối tiêu thụ cho nông dân trong thời gian tới.
Nhận diện cơ hội trong khó khăn, một vài hộ nông dân nuôi ếch, nuôi gà bắt đầu bắt tay vào lĩnh vực sơ chế, đóng gói sản phẩm của gia đình để thuận lợi hơn trong việc tiêu thụ. Nhờ chuyển đổi sang cách làm này, hiện tại sản phẩm gà, ếch làm sẵn của huyện Tháp Mười không chỉ tiêu thụ mạnh tại địa phương mà còn được khách hàng ở một số nơi như TP Cao Lãnh, TP Hồ Chí Minh đặt hàng.
Cùng nhau vượt qua đại dịch
Ở tỉnh Đồng Tháp trong những năm qua, các cấp Hội NCT luôn phát huy tốt các hoạt động, đạt nhiều kết quả tích cực như: các mô hình chăm sóc NCT; tham gia các phong trào, chương trình xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nhà tình thương… Hàng trăm câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao NCT; câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau đã thu hút hàng nghìn thành viên tham gia, tạo điều kiện phát triển kinh tế. Hàng nghìn NCT làm kinh tế giỏi và làm chủ các doanh nghiệp trang trại.
Trong nhiệm kì 2016 – 2021, Hội NCT các cấp ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã gương mẫu tham gia phong trào bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới, trồng hàng trăm nghìn cây xanh, đóng góp hơn 9.000 ngày công lao động, đóng góp hơn 3 tỷ đồng xây dựng cầu đường, hiến gần 235.000m2 đất để xây dựng hạ tầng nông thôn. Năm 2020, trước khó khăn do dịch bệnh Covid-19 làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những gia đình NCT nhưng đã có hơn 2.982 hội viên tham gia công tác khuyến học, xây dựng 1.301 gia đình hiếu học, vận động hơn 1,7 tỉ đồng và nuôi 1.632 con heo đất hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn; cất 143 căn nhà và sửa chữa 49 căn nhà cho NCT nghèo có bệnh nền; nhiều gia đình NCT vươn lên thoát nghèo bền vững, làm giàu chính đáng với hơn 550 NCT làm kinh tế giỏi...
Tại hội nghị tổng kết hoạt động Hội NCT huyện Cao Lãnh nhiệm kỳ 2021 – 2026, Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh tặng Giấy khen cho 9 tập thể và 18 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Tuổi cao – Gương sáng”. Dịp này, Ban đại diện Hội NCT, nhiệm kì 2021 – 2026 gồm 9 thành viên ra mắt; ông Nguyễn Đức Thuận là Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Cao Lãnh nhiệm kì 2021 – 2026.