Cục QLTT tỉnh An Giang: Những nố lực đáng khích lệ trong thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2020
Tin tức 03/08/2020 07:47
Lực lượng QLTT thu giữ khẩu trang xuất lậu. |
Trong 6 tháng đầu năm có 5 mục tiêu chính và cũng là những thách thức lớn mà Cục QLTT phải nỗ lực thực hiện là:
Tình hình an ninh chính trị, nhìn chung, tại khu vực cửa khẩu biên giới được kiểm soát tốt và ổn định. Các lực lượng chức năng phối hợp tăng cường công tác quản lý chặt chẽ người và phương tiện qua lại biên giới; phối hợp trao đổi thông tin, tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm về buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tình hình xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh giảm do diễn biến tình hình dịch Covid-19 thời gian qua. Lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, làm thủ tục cho hàng hóa, phương tiện vận tải và hành khách xuất nhập qua cửa khẩu. Đảm bảo quản lý chặt chẽ , tuân thủ nghiêm các các quy định trong phòng chống dịch Covid-19.
Tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, trên địa bàn tỉnh nhìn chung, hoạt động buôn lậu trên địa bàn giảm đi về quy mô và số lượng. Các mặt hàng buôn lậu chủ yếu vẫn là thuốc lá, đường cát, nước ngọt, pháo, bia, lợn, quần áo, mỹ phẩm, dược phẩm, điện lạnh, điện tử, đồ gia dụng, khẩu trang y tế. Địa bàn và tuyền trọng điểm gồm: Đường bộ tập trung tuyến Tịnh Biên- Châu Đốc, Vĩnh Ngươn- Châu Đốc, và Vĩnh Xương- Tân Châu. Đối tượng dùng xe gắn máy hai bánh có tốc độ cao , cất giấu, trà trộn trên các phương tiện chở khách và hàng hóa. Tuyến đường thủy có các tàu, thuyền, lợi dụng lúc chở hàng hóa hợp pháp để cất giấu hàng lậu. Địa bàn trọng điểm về buôn lậu là: Vĩnh Xương, Tân Châu, Long Bình, An Phú, Vĩnh Ngươn, Châu Đốc, Thị trấn tịnh Biên, Tịnh Biên.
Tình hình GLTM và hàng giả, qua tìm hiểu, hàng giả trên địa bàn chủ yếu vẫn là các trường hợp mua bán nhỏ lẻ với các mặt hàng như quần áo, giày dép, đồng hồ, bột ngọt, mỹ phẩm, sạc điện thoại,… giả mạo nhãn hiệu của các nhãn hàng nổi tiếng như : Nike, Adidas, Rolex, Samsung, L’Oreal. Hàng giả thường được một số đối tượng tiếp thị, bán trực tiếp cho các hộ kinh doanh không qua hệ thống phân phối, không hóa đơn, chứng từ, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác kiểm tra, bắt giữ. Các cơ sở kinh doanh thực hiện tốt việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, hàng hóa mua bán có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hàng hóa đúng quy định. Riêng đối với tình hình kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế, nhu cầu của người dân cao đột biến nên giá khẩu trang có tăng lên. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời từ các ngành, các cấp bằng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát, kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, nên tình hình kinh doanh mặt hàng này nhanh chóng đi vào ổn định. Các cơ sở kinh doanh cũng tự giác chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Tình hình giá cả thị trường. Có thể nói, tình hình giá cả thị trường là mối quan tâm đặc biệt của các ngành chức năng, thẩm quyền tỉnh An Giang và cũng là mối quan tâm của người dân tỉnh An Giang. Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, tình hình thị trường hàng hóa (trừ mặt hàng khẩu trang y tế) chỉ phát sinh biến động trong thời điểm giãn cách xã hội để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, mặt hàng biến động chủ yếu gồm: gạo, mì, đồ hộp, xăng dầu, khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn,… Nguyên nhân chủ yếu là do người dân bị tác động bởi tâm lý đám đông, đổ xô mua dự trữ thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, từ đó làm cho giá cả các mặt hàng này tăng cao và có thời điểm xảy ra khan hiếm. Tuy nhiên tình hình cũng chỉ diễn ra một vài ngày đầu của thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhờ vào công tác thông tin, tuyên truyền được kịp thời triển khai đồng bộ, tình hình thị trường được ổn định.
Theo ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh An Giang, riêng công tác Chống buôn lậu của Cục QLTT An Giang trong 6 tháng đầu năm 2020, các lực lượng chức năng trong tỉnh kiểm tra, phát hiện vi phạm 1.102 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu. Tổng trị giá hàng hóa bắt giữ là 28 tỷ đồng, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu là 11,44 tỷ đồng. Công tác chống sản xuất, buôn bán hàng giả và GLTM đã xử phạt vi phạm hành chính, thu tiền phạt được 96,3 triệu đồng, tịch thu và tiêu hủy đối với hàng hóa vi phạm. Về kinh doanh thuốc không đủ điều kiện kinh doanh thuốc, vi phạm niêm yết giá, sử dụng hóa chất ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm v.v… Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 207.750.000 đồng.
Kiểm tra xe gặt đập liên hợp |
Bắt giữ đường cát Thái Lan nhập lậu
|
Ông Huỳnh Ngọc Hồ cho biết: “Thời gian các hoạt động buôn lậu thường diễn ra vào đêm khuya hoặc vào giờ nghỉ của các lực lượng nhằm tránh sự kiểm tra, kiểm soát. Cục QLTT tỉnh An Giang có đề xuất và kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn phối hợp sớm triển khai lắp đặt hệ thống camera tại tuyến, địa bàn trọng điểm buôn lậu khu vực biên giới nhằm tăng cường 24/24 công tác chống buôn lậu, giám sát chặt chẽ hơn tình hình buôn lậu đang ngày càng tinh vi và phức tạp”.