“Công ty ma” trong trường đại học
Trong mắt người già 07/08/2019 09:21
Nhiều người cho rằng, chuyện đó thường thôi, bởi thời nay việc cán bộ, công chức sử dụng bằng giả từ phổ thông trung học đến thạc sĩ, tiến sĩ liệt kê cả ngày không hết. Hơn nữa, bây giờ các trường đại học, cao đẳng mọc lên như nấm, khó tránh những chuyện khuất tất(!?).
Đã là cán bộ, công chức, viên chức,… thì phải có tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch. Như ngô phải ra ngô, khoai phải ra khoai(!). Do nhiều cán bộ nếu soi đúng tiêu chuẩn bị loại “từ vòng gửi xe”, nên họ phải dùng các chiêu trò cho đủ bằng cấp, chứng chỉ, Để tiền mất mà không bị mang “tật”, họ “mua bằng” tại các trường đại học có tư cách pháp nhân, được nhà nước và pháp luật công nhận, chứ chả thèm mua bằng của mấy đứa ma cô ở “đầu đường, xó chợ”!
Quy luật của cuộc sống, có cầu ắt có cung, vậy mới đẻ ra ông Hiệu trưởng Hòa và đám công sự. Nhóm người này “bày binh bố trận” cấp bằng cho các cán bộ, công chức ít học nhưng có tham vọng luồn sâu, leo cao, mong được thăng chức, thăng hạng, chuyển ngạch, nâng lương; hay cho những người muốn chui vào các cơ quan, đơn vị mà học hành lởm khởm vẫn đầy đủ bằng cấp, có lí lịch đẹp hơn tranh. Lướt qua hồ sơ của họ không chỉ các nhà tuyển trạch lác mắt, mà cấp trên cũng phải nôn nao, thán phục!.
Trong vụ án xảy ra ở Đại học Đông Đô, Báo Công an Nhân dân cho biết, những ai muốn có cái văn bằng 2 cử nhân ngành ngôn ngữ Anh hệ chính quy, việc đầu tiên là nộp tiền, sau đó họ được ông Hòa và các công sự bố trí thi đầu vào, thi hết học phần 25 môn và thi tốt nghiệp chỉ trong thời gian từ 1-2 ngày. Học viên được phát giấy thi và đáp án để chép ngay tại chỗ; rồi được cấp bằng sau 3 đến 6 tháng, kể từ lúc nộp hồ sơ mà không cần phải đi học.
Cũng theo Báo Công an Nhân dân, từ năm 2016 đến 2018, nhóm người trên của Đại học Đông Đô đã nhận khoảng 400 hồ sơ “mua bằng”. Báo Công an Nhân dân còn cho biết, để cạnh tranh với các đơn vị đào tạo khác, Ban lãnh đạo Trường Đại học Đông Đô có chủ trương liên kết với các trung tâm đào tạo ngắn hạn bên ngoài để tổ chức tuyển sinh và ăn chia theo thỏa thuận. Tiêu cực phí được thả nổi thông qua các “cò giáo dục”, dao động từ 50 đến 150 triệu đồng.
Như vậy là học giả, trong đầu không chữ nào, trơ như đất cằn đá cỗi, nhưng các “học viên” được nhận bằng xịn, với số tiền trên đắt hơn hàng chục lần mua bằng giả của đám ma cô. Như người đời nói: “Đắt xắt ra miếng”, bằng của họ được bảo đảm bằng cái tên Trường Đại học Đông Đô, một trường đại học do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước cấp phép hoạt động và bổ nhiệm người đứng đầu rất chi là hợp pháp, hợp hiến. Còn các thủ tục đầu vào, học hành, thi tốt nghiệp đã được Đại học Đông Đô “bảo đảm bằng vàng” (!?).
Qua vụ việc đóng tiền nhưng không học được cấp bằng xịn ở Đại học Đông Đô, nên chăng các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nội vụ nên xem lại các tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức hiện nay, đồng thời thường xuyên phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ trình độ chuyên môn, năng lực của cán bộ, công chức. Rõ ràng một số tiêu chuẩn, trong đó quy định phải có bằng cấp ngoại ngữ hiện nay đặt ra cho vui, cho sang chứ thực tế rất ít cán bộ, công chức dùng tới. Chính vì vậy mà nhiều tiêu chuẩn không có bằng cấp thì thiếu, có thì thừa; bằng cấp chỉ dùng để trang trí cho đẹp hồ sơ cá nhân.
Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo nghĩ gì khi có những “Công ty ma” chuyên bán bằng cấp trong trường đại học? Quản lí lỏng lẻo, cán bộ tha hóa, chất lượng nhân lực sẽ đi về đâu?!