Công dụng của tinh bột sắn dây với sức khỏe con người
Sức khỏe 05/04/2022 11:00
Tinh bột sắn dây là loại tinh bột thơm ngon, giàu dưỡng chất, được chiết xuất từ củ của cây sắn dây (Radix Puerariae). Đây là loại cây dây leo, dài có thể đến 10m, lá kép gồm 3 lá chét. Cuống lá chét giữa dài, cuống lá chét 2 bên ngắn. Lá chét có thể phân thành 2-3 thùy. Về mùa hạ trổ hoa màu xanh, mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả loại đậu có nhiều lông. Củ dài to nặng có thể tới 20kg, nhiều xơ được thu hoạch từ tháng 10 đến tháng 3-4 năm sau. Để chế tinh bột sắn dây thì rửa sạch, bóc bỏ lớp vỏ dày bên ngoài, cắt thành khúc dài 10-15 cm. Nếu củ to thì bổ dọc để có những thanh dày khoảng 1 cm, sau đó xông diêm sinh rồi phơi hoặc sấy khô. Loại trắng ít xơ là loại tốt.
Có nhiều loại sắn dây được trồng ở nước ta nhưng chủ yếu la 3 loại:
- Sắn dây ta (giống của Việt Nam), lá to, ngọn to, cần nhiều diện tích leo, năng suất thấp, là loại tốt nhất hiện nay.
- Sắn dây giống Ấn Độ, lá nhỏ, ngọn nhỏ hơn sắn dây ta, bằng 1/2 sắn dây ta, nếu không nhìn kĩ, không thể phân biệt được, năng suất cao hơn gấp đôi. Đây là loại sắn dây được trồng phổ biến ở các vùng Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên và các vùng trung du đồi núi, đây là loại sắn cao sản.
- Sắn dây giống Trung Quốc, lá rách giống chân vịt, dây nhỏ... đặc biệt dễ trồng, không cần nhiều diện tích, năng suất cao hai loại trên, nhiều bột... đây là loại sắn cao sản.
2. Cách chế biến tinh bột sắn dây
Muốn chế tinh bột sắn dây thì bóc vỏ, đem giã nhỏ hoặc mài trên tấm sắt tây có đục thủng lỗ, hoặc xay bằng máy, cho thêm nước rồi nhào lọc qua rây thưa, loại bã, sau đó lọc lại 1 lần nữa qua rây dày hơn, để lắng gạn lấy tinh bột rồi đem phơi hoặc sấy khô. Cụ thể khi làm tại nhà cần tuần tự theo các bước như sau:
- Đầu tiên sạch củ sắn dây tươi để đánh bay lớp đất cát bên ngoài, rồi tiếp tục bóc hết vỏ và rửa sạch cho củ sắn trắng sạch.
- Cắt nhỏ sắn dây thành miếng nhỏ rồi cho vào máy xay sinh tố xay mịn. Hoặc có thể dùng dao mài để mài nhỏ củ sắn dây.
- Cho bột củ sắn dây đó ra thau (chậu) rồi cho nước vào và quậy lên rồi cho ra vỉ lọc và lọc nước bột sắn dây ra. Hãy nhào bóp nhiều lần để nước bột ra hết rồi vứt bỏ phần bã. Thu được nước sắn dây có màu trắng đục (vì có chứa cả nhựa sắn dây).
- Cho nước bột vào thau (chậu) sạch rồi thêm nước vào. Cứ mỗi ngày lại thay nước một lần và sau khoảng 10 ngày ta thu được chậu nước bột sắn dây màu trắng. (đã lọc hết nhựa sắn)
- Bột sắn dây được khuấy đều với nước rồi chồng các lớp vải lọc lên nhau và lọc qua để loại bỏ các tạp chất. Tiếp theo dùng túi nilon lót vào đáy chậu để bột lắng xuống trong vòng khoảng 12 tiếng đồng hồ. Khi bột lắng chắc dưới đáy chậu, ta bỏ phần nước phía trên, thu được phần tinh bột lắng màu trắng.
- Lấy tinh bột đã lắng đó ra mâm rồi mang phơi ngoài nắng. Cần phơi ở nơi nắng tốt, sạch sẽ, không bụi bặm (thường phơi trên mái nhà). Phơi đến khi bột khô hoàn toàn thì cho vào túi hoặc vào hộp để bảo quản.
3. Thành phần tinh bột sắn dây
Trong bột sắn dây chứa khoảng 60% là tinh bột protein, 40% còn lại là một số hoạt chất thuộc nhóm isoflavonoid: puerarin, puerosid A, puerosid B và hợp chất nhóm olean triterpene, trong đó:
- Puerarin: Chỉ tồn tại duy nhất trong bột sắn dây, có tác dụng chữa đau đầu, ù tai,..
- Isoflavonoid: Tăng sắc tố da, trị nám, chống oxy hóa...
- Daidzein: Hợp chất kháng viêm, kháng khuẩn, chữa mụn nhọt, rôm sảy..., có khả năng kháng các tế bào ung thư,...
- Protein: Làm tăng estrogen, duy trì hormone sinh lí nữ, chống loãng xương.
4. Công dụng của tinh bột sắn dây
4.1 Theo y học cổ truyền
Tinh bột sắn dây vị ngọt, tính mát, vào được các kinh tì, vị và phế, có công dụng tán nhiệt, tuyên độc, giải biểu, thấu chẩn, sinh tân dịch, chỉ tả, giải co giật, chỉ khát, giải độc rượu, thoái nhiệt, giải cơ và thăng đề vị khí, thường được dung để chữa sỏi thời kì đầu, chứng biểu nhiệt, tiêu chảy, gáy đau vai cứng, đau trước trán, tà ở kinh dương minh, lưng sau cứng đau... Một số cách dùng cụ thể:
- Đau bụng đi ngoài giống kiết lị: Dùng bột sắn dây hòa vào nước cùng với một chút đường để uống.
- Chữa cảm, nôn, đau đầu ở trẻ nhỏ do bị cảm, gió: nấu chín bột sắn dây cùng gạo tẻ thành cháo, thêm gừng giã nát, cho trẻ ăn từ 3 - 5 ngày.
- Chống ngứa do mồ hôi gây nên: 5g bột sắn dây, 5g thiên hoa phấn, 20g hoạt thạch. Trộn đều hỗn hợp rồi rắc lên những vùng bị ngứa.
- Vùng ngực và bụng cảm thấy nóng cồn cào, khát nước: Lấy 120g sắn dây trộn đều với 15g gạo tẻ nấu thành cháo, ăn từ 3 - 5 ngày.
- Chữa kiết lị do nhiệt: Để chữa các triệu chứng như đau bụng, nóng rát vùng hậu môn, phải rặn khi đại tiện, pha bột sắn dây với nước và đường, sau đó nấu chín đặc và chia ăn 2 - 3 lần trong ngày.
- Chữa viêm họng: Bột sắn dây giúp cơ thể kháng viêm và ức chế một số vi khuẩn có hại. Vì thế, nếu bị viêm họng, bạn có thể lấy từ 10-15g bột pha nước nóng để uống. sau vài ngày triệu chứng viêm họng sẽ chấm dứt hoàn toàn.
- Chữa ngộ độc rượu: Hòa tan bột sắn dây với một chút đường có thể thêm nước cốt chanh. Có thể sử dụng muối thay cho đường để làm tăng hiệu quả của phương pháp này.
- Chống ngứa do mồ hôi: Trộn đều Bột sắn dây 5g, hoạt thạch 20g, thiên hoa phấn 5g sau đó rắc lên những nơi ẩm ngứa.
- Cảm nắng, nhức đầu, sốt nóng: Lấy khoảng 12g bột sắn dây hòa vào nước cùng với một chút đường để uống. (Còn nữa)