Công chức và người máy
Trong mắt người già 02/12/2021 11:22
Đây quả là một sự chính xác đến kinh ngạc của những công chức thừa hành việc thống kê, tính toán thiệt hại do thiên tai gây ra với các hộ dân. Và để có đáp số trong danh mục hỗ trợ người dân thì không chỉ có một hai người, từ đo đạc, khảo sát, tính toán, cao nhất cần có người đủ quyền ra quyết định bằng một chữ kí để chi tiền ngân sách. Nói gọn lại là cần cả một hệ thống mới có con số 2.000 đồng tiền hỗ trợ.
Khi đọc thông tin về cách làm việc, hành xử máy móc trong vụ việc trên bỗng tôi muốn thử so sánh số công chức ở đây với người máy.
Để có một cán bộ, nhân viên trong hệ thống công quyền phải mất hàng chục năm nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện của gia đình, nhà trường và xã hội.
Người dân bất ngờ nhận hỗ trợ thiệt hại do bão với số tiền 2.000 đồng. |
Để có một người máy (robot) chỉ cần có đủ một số tiền nhất định mua về sử dụng là được.
Robot có ưu điểm là làm việc chính xác, không cảm tính, không mệt mỏi cho đến khi hư hỏng kĩ thuật, nhưng nó chỉ làm được một số công việc hoặc công đoạn nhất định trong dây chuyền.
Một cán bộ ngoài yêu cầu năng lực chuyên môn còn cần phẩm chất, kĩ năng, cách ứng xử trong các mối quan hệ giữa người với người. Nếu người cán bộ chỉ có năng lực chuyên môn đơn thuần và hành động vô cảm thì chẳng khác nào tự biến mình thành robot.
Vậy những công chức như kể trên có được khả năng như người máy? Tôi chưa dám chắc họ đã giỏi bằng người máy vì bài toán cho kết quả hỗ trợ thiệt hại 2.000 đồng là chưa chuẩn.
Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 thì hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống. Giả sử một người dân thuộc diện hộ nghèo có thu nhập là 1,5 triệu đồng/tháng thì mỗi ngày thu nhập bình quân 50.000 đồng, ½ ngày là 25.000 đồng. Vậy người dân phải bỏ ra nửa buổi (tức ½ ngày) đi xếp hàng để nhận được 2.000 đồng trong khi thời gian đó dù là hộ nghèo họ cũng có thể làm ra 25.000 đồng. Vì đi nhận hỗ trợ họ đã bị lỗ thêm 23.000 đồng, một thiệt hại phát sinh gấp nhiều lần thiên tai!
Nếu người máy làm phép tính này cho việc hỗ trợ người dân thì nó đã đưa ra cảnh báo trước vì một bài toán sẽ mang đến kết quả xấu. Như vậy, những công chức làm bài toán trên chưa chắc đã thông minh bằng người máy!
Công chức được coi như công bộc, là đầy tớ của Nhân dân. Nhân dân rất cần công bộc có cái đầu lạnh để đưa ra những quyết sách, hành động đúng đắn, chuẩn xác. Đồng thời ở họ còn cần một trái tim nhiệt huyết, biết chia sẻ vui buồn cùng Nhân dân.
Hành động mang 2.000 đồng đến hỗ trợ thiệt hại thiên tai cho người dân chính là sự tắc trách và vô cảm, thứ không thể tồn tại với người hưởng lương từ những đồng tiền đóng thuế của dân.