Chính thức giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng
Kinh tế 09/08/2022 07:47
Giảm 10% thuế nhập khẩu ưu đãi mặt hàng xăng. Ảnh minh hoạ |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 51/2022/NĐ-CP sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.
Cụ thể, sửa đổi mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10 quy định tại Phụ lục II - Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ thành các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi mới quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định Nghị định số 51/2022/NĐ-CP.
Theo đó, điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì (thuộc mã HS từ 2710.12.21 đến 2710.12.29) từ 20% xuống 10%.
Theo Bộ Tài chính, so với nhiều nước, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu của nước ta hiện nay vẫn thấp hơn mức bình quân chung. Tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu ở nhiều nước hiện nay chủ yếu trong khoảng 40%-55% đối với xăng và 35%-50% đối với dầu (ngoại trừ một số quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thì có tỷ trọng thấp hơn). Trong khi đó, ở nước ta, với mức thuế bảo vệ môi trường đang được giảm về mức sàn theo nghị quyết đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì tỷ trọng thuế trong giá cơ sở xăng dầu vào khoảng 19.39% đối với xăng E5RON92, 21.95% đối với xăng RON95 và khoảng 11.05% đối với dầu diesel.
Đánh giá tác động đến thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, mặt hàng xăng được nhập khẩu chủ yếu từ các quốc gia có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam nên thuộc diện được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu FTA thấp hơn so với mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng dầu của nước ta là 475.26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với nước ta là 474.1 triệu USD (chiếm 99.7%) và trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch nhập khẩu có thuế mặt hàng xăng là 826.53 triệu USD, cơ bản cũng được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với nước ta.
Như vậy, có thể thấy với tỷ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là thấp, theo đó, trong trường hợp các điều kiện khác không thay đổi thì việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN đối với mặt hàng xăng theo phương án dự kiến cơ bản sẽ không có nhiều tác động đến thu ngân sách nhà nước.
Thế nhưng, việc giảm thuế này sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn cung từ một số quốc gia khác như Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khu vực Trung Đông. Việc này giúp tránh sự phụ thuộc quá lớn vào một số đối tác như hiện nay nếu nguồn cung trên thị trường thế giới biến động.
Bộ GTVT yêu cầu rà soát, kê khai và điều chỉnh giá cước vận tải Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các đơn vị trong ngành và Sở GTVT địa phương về việc tăng cường các biện pháp quản ... |
Khi vật giá “phi nước đại” Xăng, dầu, thực phẩm thiết yếu... tăng giá khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là sinh viên, người lao động thu ... |
Giá xăng dầu giảm lần thứ 4 liên tiếp Liên Bộ Tài chính - Công Thương vừa thông báo thay đổi giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh mới. Thời gian áp ... |