Chiến lược lâu dài của Berlin
Quốc tế 21/03/2023 09:40
Chuyến công du của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tới Nhật Bản từ ngày 17-19/3 để thực hiện tham vấn giữa chính phủ hai nước. Mô hình này mới lạ với Nhật Bản, song từ lâu được Đức triển khai với một số nước đối tác, gần đây nhất là với Ấn Độ, Tây Ban Nha (năm 2022) và Trung Quốc (năm 2021). Điều mới là gần đây Đức nâng cấp các cuộc gặp lên "Tham vấn chính phủ 2.0", có nghĩa chuyển từ tham vấn với sự hiện diện của hầu như toàn bộ nội các sang tham vấn với một số bộ trưởng chủ chốt theo chủ đề cụ thể. Cuộc tham vấn với Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên này có chủ đề "An ninh kinh tế", được Đức lựa chọn do là bên khởi xướng việc tham vấn liên chính phủ.
Thực tế, nhu cầu tham vấn chính phủ với Nhật Bản ban đầu xuất phát từ phía Đức, ông Scholz đã nêu trong cuộc hội đàm tháng 4 năm ngoái và ngay lập tức nhận được sự hưởng ứng của người đồng cấp Nhật Bản để hai nước có thể thực hiện ngay trong đầu năm nay. Cuối năm ngoái, Đức và Nhật Bản đã tiến hành hội đàm 2+2 giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng. Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng chú ý về chính sách của Đức với Nhật Bản so với trước đây. Bởi, với Thủ tướng đương nhiệm Đức, trong khi vẫn ủng hộ củng cố quan hệ kinh tế với Trung Quốc, ông Scholz cũng kêu gọi giới doanh nghiệp Đức đa dạng hóa các quan hệ kinh doanh ở châu Á. Tình hình địa chính trị thay đổi đã buộc giới chính trị và doanh nghiệp Đức phải nhìn nhận lại cả quá trình, buộc họ phải thay đổi và đa dạng hóa để tồn tại và phát triển.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Tokyo, ngày 18-3-2023 |
Kết thúc phiên họp toàn thể, hai bên đã ra tuyên bố chung về cuộc tham vấn, bao gồm 25 điểm. Nếu xem qua các điểm này, hai bên chỉ đưa ra những tuyên bố và cam kết không mấy cụ thể, song nếu xét cả chiều dài quan hệ thì có thể nhận thấy đây là bước đột phá, không những trong quan hệ giữa Đức và Nhật Bản mà còn là chiến lược lâu dài của Berlin về chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng. Điều này rất phù hợp với định hướng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính phủ Đức.
Thực tế thì hành động thăm và tham vấn liên chính phủ này được đánh giá còn quan trọng hơn những nội dung đạt được. Cả 25 điểm được nêu trong tuyên bố chung cơ bản nhấn mạnh về ý định hợp tác giữa hai bên, trong đó trọng tâm là an ninh kinh tế, một vấn đề thậm chí còn quan trọng hơn đối với hai quốc gia giàu có nhưng lại nghèo về nguyên liệu thô và phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu như Đức và Nhật Bản.
Lí do Đức chọn "An ninh kinh tế " làm chủ đề cho cuộc tham vấn xuất phát từ nhu cầu rất thực tế, trong đó Đức muốn học hỏi điều gì đó từ Nhật Bản - quốc gia đã có đạo luật về thúc đẩy an ninh kinh tế và có riêng một bộ trưởng phụ trách lĩnh vực này.
Ngoài ra, hợp tác về an ninh mạng và quốc phòng cũng được hai bên thảo luận, trong đó Đức và Nhật Bản sẽ phối hợp về sự hiện diện của quân đội Đức trong khu vực, cũng như xem xét tiến hành tập trận chung. Hai bên cũng cam kết về một "khuôn khổ pháp lí tạo điều kiện cho các hoạt động chung" của quân đội hai nước, nhất trí hợp tác hơn nữa để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Rõ ràng, cuộc tham vấn ở Tokyo ít nhiều phát đi tín hiệu cho thấy Đức muốn định vị nước này một cách rộng rãi hơn ở châu Á để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và ít "nghiêng" hơn về phía Bắc Kinh so với chính phủ tiền nhiệm, trong đó chuyến công du đầu tiên của ông Scholz tới châu Á trên cương vị thủ tướng là tới Tokyo, chứ không phải Bắc Kinh.
Với Thủ tướng Scholz, chuyến công du tới đối tác lớn thứ hai của Đức ở châu Á này là rất cần thiết để không những có thể nâng kim ngạch thương mại song phương hiện ở mức gần 46 tỉ euro mà còn có thể triển khai các chiến lược toàn diện hơn của Đức với khu vực…