Chiếc gùi của đồng bào Mông Tây Bắc
Xã hội 05/02/2020 15:42
Chiếc gùi của người Mông có từ bao giờ, khó ai có thể xác định được, chỉ biết rằng, trong nét văn hóa của đồng bào Mông, chiếc gùi là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, gắn liền với đời sống văn hóa, lao động của họ.
Để làm được chiếc gùi như ý, khỏe và bền chắc, người Mông thường chọn những cây tre (tiếng Mông gọi là xung trở) không quá non và quá già, lột lấy phần cật ngoài cùng, cạo bóng bề mặt, nếu cẩn thận để cho khỏi mọt thì ngâm cật tre xuống nước chừng 2 - 3 tuần rồi mới vớt lên đan gùi.
Việc đan gùi của đồng bào Mông Tây Bắc thường dành cho đàn ông. Gùi có miệng tròn, theo hướng tỏa ra, phần thân và đáy hình vuông với nhiều kích cỡ khác nhau, tùy vào mục đích sử dụng và lứa tuổi. Khi đan, người Mông rất khéo kéo để bề mặt bóng của cật ra phía ngoài để tạo vẻ đẹp cho chiếc gùi. Sau khi đan xong, gùi được buộc hai sợi dây vải mềm để khi đeo đồ nặng vai không bị đau nhức.
Chiếc gùi là vật dụng quen thuộc của đồng bào Mông ở bất kì công việc gì. Người lớn, nhỏ, già, trẻ đều có thể đeo gùi sau lưng để làm công việc của mình. Khi lên núi, người Mông đeo gùi sau lưng để đựng hạt giống, nước uống, cơm nắm. Khi xuống núi, chiếc gùi đầy ắp măng rừng, củ quả, rau xanh, những bó lúa trĩu hạt. Khi về nhà, chiếc gùi được đặt gọn ở góc nhà hoặc treo trên vách. Mỗi khi xuống chợ phiên, sau lưng những người phụ nữ Mông không thể thiếu chiếc gùi thân thuộc đựng những sản vật như rau, củ, gạo, gà, vịt, rượu, xôi ngũ sắc, ngô, khoai, củ cải… để bán. Có khi những đứa trẻ còn bé xíu, theo bố mẹ xuống chợ cũng được đặt ngồi vào chiếc gùi cõng trên lưng.
Xuống chợ, người phụ nữ Mông thật hãnh diện khi đeo chiếc gùi. Nếu là phụ nữ đã có chồng thì chiếc gùi chứng minh sự đảm đang, khéo léo, giàu tình yêu thương của họ. Nếu là phụ nữ chưa chồng, chiếc gùi sẽ nói với các chàng trai rằng họ rất đảm đang và chung thủy. Khi người phụ nữ Mông về nhà chồng thì trước đó, họ dày công đan cho mình một chiếc gùi thật to và đẹp, coi đó như một tài sản quan trọng để mang theo quần áo thổ cẩm, trang sức, các vật dụng về nhà chồng. Và cũng từ đó, chiếc gùi sẽ luôn gắn bó với họ trong cuộc sống lao động. Hình ảnh chàng trai Mông đeo khèn, cô gái Mông đeo gùi, cùng dắt ngựa đi dưới rừng mận, rừng đào là một hình ảnh tuyệt đẹp đầy lãng mạn về bài ca tình yêu nơi những bản Mông xa xôi.
Chiếc gùi có mặt hầu hết trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Mông Tây Bắc. Gùi hiện diện trong lễ cưới, cúng mùng 1 Tết, lễ ăn mừng lúa mới, lễ cúng rừng, làm nhà, tang ma … Trong những lễ nghi đó, chiếc gùi được người Mông dùng để đựng lễ vật, coi như một biểu tượng của lòng thủy chung, son sắt và mong ước cuộc sống no đủ, ấm áp.
Đồng bào Mông Tây Bắc đã thổi hồn vào tre, nứa để làm nên chiếc lù cở tuyệt đẹp và bền chắc, trở thành vật dụng đồng hành với người Mông trong cuộc mưu sinh, chinh phục tự nhiên đầy gian khó nơi sơn thẳm.