“Bước ra” từ... truyền thuyết
Đời sống 23/01/2020 09:00
So với các giống gà khác, gà nhiều cựa ở Tân Sơn không chỉ có hương vị thơm ngon đặc trưng mà còn mang nhiều ý nghĩa về truyền thống văn hóa và tâm linh. Đặc biệt vào dịp Tết Nguyên đán, nhiều người dân Tân Sơn thường chọn những con gà nhiều cựa, hình dáng nổi trội, màu lông đẹp để làm lễ cúng ông bà tổ tiên và cầu mong một năm mới may mắn, sung túc và tài lộc.
Gà nhiều cựa được nuôi theo hình thức bán hoang dã nên thịt thơm, ngon ngọt đặc trưng. Những năm gần đây, giống gà này được nhân rộng ở nhiều tỉnh thành. Còn các đại gia thì săn lùng làm quà biếu trong dịp đầu năm mới. Ông Đào Văn Long, 76 tuổi ở xã Tân Phú bảo: “Gà đủ 9 cựa rất hiếm và quý, tôi cũng chưa nhìn thấy bao giờ, 7 - 8 cựa thì có. Mấy năm trước, có nhiều dự án hỗ trợ truyền thông và khoa học kĩ thuật cho người dân Tân Sơn lai tạo để bảo tồn giống gà thuần chủng nhiều cựa. Hiện có trang trại nuôi và nhân giống gà nhiều cựa, nhưng hiệu quả không cao”.
Gà 9 cựa |
Anh Nguyễn Văn Đức, dân tộc Mường ở xã Tân Phú cho biết: “Gà 9 cựa thực chất chỉ là tên gọi của loại gà nhiều cựa. Trước đây, giống gà này được cho là có nguồn gốc từ Bản Cỏi, xã Xuân Sơn”. Năm 2013, anh cùng mẹ bắt tay vào nuôi gà nhiều cựa, vì thấy trên thị trường giá bán cao, nhưng do mô hình nhỏ lẻ nên hay bị dịch bệnh. Năm 2017, anh tham gia một lớp học về chăn nuôi và được các thầy giới thiệu với Chương trình khởi nghiệp của VTC và Viện Nông nghiệp. Nhờ các nhà khoa học hướng dẫn chăn nuôi và phòng bệnh, đàn gà của anh khỏe mạnh, không bị chết mỗi khi có dịch. Nhờ truyền thông VTC, gà của anh không bị ế ẩm mà được bán với giá cao. Hơn thế, anh Đức biết lập trang Facebook và làm chương trình đẩy lên Youtube để bán hàng, nên mấy năm nay vào dịp Tết Nguyên đán anh không đủ hàng để bán.
Tại trang trại của anh Đức, một đôi gà lông màu trắng, mào đỏ tươi, dáng đẹp khỏe mạnh, đủ 7 - 8 cựa, anh bán giá 15 triệu đồng. Gà nuôi chơi cảnh, nhưng hiện giờ anh cũng chỉ có 4 con. Dịp tết Canh Tý năm nay, trang trại của anh dự kiến bán ra thị trường khoảng từ 400 - 500 con gà thịt nhiều cựa với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.
Anh Đức và đôi gà nhiều cựa. |
Anh Nguyễn Tùng, chủ trang trại gà 9 cựa Hùng Vương ở bản Dù, xã Xuân Sơn, thì bảo, loại gà này có nguồn gốc là gà rừng, trước đây được người dân tộc Dao và Mường Phú Thọ bắt về nuôi từ lâu, nhưng phải đến những năm 2003 khi Vườn Quốc gia Xuân Sơn thành lập, đường sá được mở mang thì nhiều người mới biết đến giống gà quý này. Anh Tùng kể, trước đây may mắn có 5 chú gà trống đủ 9 - 10 cựa rất hiếm hoi. Gà có đôi chân màu vàng ươm, to chắc, mỗi bên mọc ra 5 cựa xếp theo hàng. Cựa trên cùng là sừng, cong như chiếc nanh lợn rừng, còn mào gà thì đỏ tươi, tròn đều. Sau đó, anh đã bán mất 3 con.
Nhiều người quan niệm số 9 tượng trưng cho sự may mắn, trường tồn và vĩnh cửu nên muốn sở hữu bằng được một con gà 9 cựa. Tuy nhiên, dù có trả giá cả chục triệu, thậm chí trăm triệu cũng rất khó tìm được. Nhiều cơ sở trang trại ở Hà Nội cũng bắt đầu nhân giống và nuôi loại gà nhiều cựa có nguồn gốc ở Tân Sơn với giá dao động từ 200 - 300 nghìn đồng/kg. Nhiều nơi còn chào bán cặp gà trống, mái có 5 - 6 cựa với giá khoảng 1,5 triệu/cặp.
Theo anh Đức, sở dĩ giống gà này không nuôi được với số lượng lớn bởi công đoạn nhân giống, chăn thả rất kì công và khó khăn. “Do gà được chăn thả tự nhiên nên để có thể xuất chuồng phải mất ít nhất từ 6 - 8 tháng mới đạt trọng lượng 1,2 - 1,5kg. Gà nuôi từ 2 năm trở lên đạt chất lượng thịt cao nhất. Khó nhất là khâu chọn được giống thuần chủng. Để có gà đạt tiêu chuẩn, anh phải chọn những quả trứng từ 40g trở lên mới cho ấp và tỉ lệ gà nhiều cựa cũng chỉ đạt chừng 30 - 40%. Tổng đàn của anh có khoảng hơn 1.000 con, nhưng phải chia làm 4 trại ở 4 nơi cách xa nhà dân để tránh dịch bệnh. “Tôi đã đầu tư 700 triệu đồng, nhưng mới thu về được khoảng hơn 200 triệu đồng”, anh Đức chia sẻ.
Bà Hà mẹ anh Đức, người nuôi gà nhiều cựa lâu năm cho rằng: Nuôi giống gà này nếu thành công cho thu nhập khá tốt, tuy nhiên phải rất hiểu biết về chúng và say mê ngày đêm mới được. Mấy năm trước cũng có nhiều người dưới xuôi lên nuôi gà nhiều cựa để kinh doanh nhưng đều thất bại.
Đón Tết Canh Tý năm nay, nhiều chủ trang trại và những người dân nuôi gà nhiều cựa ở Tân Sơn đang chuẩn bị gặt hái thành công sau một năm vất vả. Bà Hà bảo năm nào cũng thế, theo truyền thống bà lựa 3 con gà trống nhiều cựa đẹp nhất để làm lễ cúng tất niên và đầu năm mới, với ước mong mạnh khỏe và làm ăn phát đạt hơn.