Bộ Y tế cảnh báo không dùng đồ hộp bị phồng, biến dạng để tránh ngộ độc botulinum
Y tế 27/03/2021 13:33
Ngộ độc do độc tố botulinum là ngộ độc nặng, nguy cơ tử vong cao hoặc ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe của con người.
Người bệnh bị ngộ độc do độc tố botulinum có biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đau bụng, liệt theo trình tự liệt bắt đầu từ vùng đầu mặt cổ lan xuống hai tay, sau đó tới hai chân, liệt các cơ hô hấp; liệt nặng có thể gây suy hô hấp là nguyên nhân gây tử vong.
Độc tố botulinum được sinh ra do vi khuẩn Clostridium botulinum trong môi trường kỵ khí (môi trường thiếu không khí). Các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản lên men, đóng hộp không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.
Bộ Y tế cảnh báo không dùng đồ hộp bị phồng, biến dạng để tránh ngộ độc botulinum |
Để hạn chế tình trạng ngộ độc botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm túc ăn chín, uống sôi.
Chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường.
Người dân khi sử dụng các sản phẩm đóng hộp nếu gặp phải các triệu chứng nêu trên cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Trước đó, có 3 trường hợp tại tỉnh Bình Dương nghi ngờ ngộ độc botulinum liên quan đến việc sử dụng sản phẩm patê chay, hiện 1 bệnh nhân đã tử vong tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện 115 và 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.
Cả 3 trường hợp trên đều liên quan đến bữa ăn trưa ngày 20/3/2021 tại một ngôi miếu cách nhà khoảng 2 km (chưa rõ địa chỉ cụ thể).
Liên quan đến vụ việc này, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế – Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã có công văn gửi Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh; Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh; Sở Y tế tỉnh Bình Dương để điều tra, xử lý vụ nghi ngờ ngộ độc do sử dụng patê chay.