Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cần căn cứ vào hiệu quả và kết quả đầu ra để chi ngân sách cho lĩnh vực khoa học công nghệ
Sự kiện 07/06/2023 17:09
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, về bố trí ngân sách chi cho khoa học công nghệ, năm 2023, tổng chi ngân sách chiếm 0,82%, chi đầu tư là 0,23%, chi thường xuyên là 0,58%. Năm 2022, tỷ lệ chi ngân sách là 1,01%. Về quyết toán chi ngân sách, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 95 ngày 17/10/2014, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 27 về cơ chế khoán, nhiệm vụ chi khoa học công nghệ có sử dụng ngân sách, theo hướng thiết kế căn cứ vào hiệu quả, kết quả đầu ra để chi ngân sách. Thông tư này giao quyền chủ động cho đơn vị chủ trì và chủ nhiệm đề tài được điều chỉnh các mục chi, nội dung chi, định mức kinh phí được giao khoán. Với kinh phí không giao khoán thì thực hiện theo đề xuất của tổ chức chủ trì và cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời về việc bố trí ngân sách cho lĩnh vực khoa học công nghệ. |
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thêm, việc kiểm soát chi chuyển từ khoản chi theo hóa đơn chứng từ hồ sơ sang chi theo bảng kê công việc. Điều đó cho thấy cơ chế mở trong thực hiện khoán chi trong khoa học công nghệ, tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những tồn tại trong quá trình tuyển chọn, giao đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu, nên kinh phí giao muộn. Bên cạnh đó, việc thực hiện giao khoán lại thực hiện theo hướng hồ sơ chứng từ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện nghiên cứu khoa học.
Thời gian tới, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành khác để sửa Nghị định 95, Thông tư 27 để phù hợp hơn, trên cơ sở lấy ý kiến của nhà khoa học, nhân dân để sửa các quy định của pháp luật để đảm bảo thông thoáng chủ động, căn cứ vào kết quả đầu ra của công việc để thực hiện hiệu quả.
Về cơ chế quản lý khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho rằng, cần thiết kế hoàn thiện lại để phù hợp hơn, cụ thể là, đối với nhà nước, nên đặt hàng và thanh toán theo sản phẩm đặt hàng, việc đặt hàng có thể thực hiện đấu thầu, có thể chỉ định thầu, qua đó lập dự toán, căn cứ từ đó chọn những tổ chức nghiên cứu đảm bảo được sản phẩm đầu ra, giúp việc thanh toán được thuận lợi hơn. Cùng với đó, cần quy định việc chuyển giao, ứng dụng đề tài nghiên cứu vào thực tiễn để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt trả lười chất vấn đại biểu Quốc hội về lĩnh vực khoa học công nghệ. |
Trả lời chất vấn đại biểu cuối phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện không xác định được con số chính xác về chi đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ tại các địa phương. Vì vậy, cần thiết sửa đổi các quy định hiện hành để có cơ sở hoạch định chính sách phát triển trong lĩnh vực này.
Về phát triển thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng cho biết, hiện vẫn thiếu các tổ chức trung gian để kết nối bên cung và bên cầu về công nghệ. Bên cạnh đó là những khó khăn trong thực hiện cơ chế chính sách nên chưa khuyến khích việc chuyển giao khoa học công nghệ vào cuộc sống.
Toản cảnh kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV ngày 7/6. |
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang triển khai các chương trình khoa học công nghệ quốc gia để nâng cao năng lực nghiên cứu của các Viện, các trường, năng lực hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp; tăng cường năng lực các sàn giao dịch công nghệ quốc gia theo chiều sâu.
Đồng thời, cần mạnh dạn trao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho viện, trường, tổ chức nghiên cứu để khuyến khích các nhà khoa học tổ chức nghiên cứu chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Đối với chất vấn của đại biểu về việc dành kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Bộ trưởng lấy ví dụ năm 2023 tổng chi thường xuyên cho khoa học và công nghệ 12.000 tỷ, trong đó ngân sách Trung ương là 8.800 tỉ, địa phương là khoảng 3.200 tỷ. Trong 8.800 tỷ ngân sách trung ương, chi hỗ trợ cho lương và hoạt động bộ máy khoảng 900 tỷ, như vậy, tỷ lệ cho các nhiệm vụ khoa học công nghệ chiếm 89 %...
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng nhấn mạnh về tính rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; mong muốn các vị đại biểu Quốc hội và xã hội ghi nhận bản chất rủi ro của hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ. Tính mới, tính dấn thân của hoạt động nghiên cứu nên quá trình nghiên cứu có thể thành công không thành công. Đề tài nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Về chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, Bộ trưởng khẳng định, điểm cốt lõi là cần lựa chọn và sử dụng theo trình độ chuyên môn, không bị ràng buộc bởi các quy định, điều kiện, tiêu chuẩn mang tính chất hành chính. Đồng thời giao quyền chủ động cho người làm công tác nghiên cứu.
Đối với việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đây là một mô hình mới, cần thời gian xem xét, đánh giá hiệu quả của trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia sau đó mới tiếp tục nhân rộng thành lập các địa phương khác.