Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang quán triệt, tổ chức thực hiện tốt Luật Biên phòng Việt Nam
Xã hội 27/02/2023 08:01
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang được triển khai thực hiện như thế nào, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đào Hồng Hà, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Giang.
Phóng viên: Thưa ông! Luật Biên phòng đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, lực lượng BĐBP tỉnh Hà Giang đã quán triệt, tổ chức thực hiện như thế nào?
Đại tá Đào Hồng Hà: Luật Biên phòng Việt Nam, gồm 6 chương, 36 điều là văn bản pháp lý rất quan trọng. Để đưa luật sớm đi vào cuộc sống, BĐBP tỉnh Hà Giang đã quán triệt, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Đại tá Đào Hồng Hà, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang |
Thực hiện đề án triển khai Luật Biên phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai đề án thực hiện Luật Biên phòng, tổ chức hội nghị cấp tỉnh tập huấn chuyên sâu về Luật Biên phòng và các văn bản thi hành luật cho các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh cũng như cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh; phối hợp với các huyện biên giới theo chỉ đạo của UBND tỉnh tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Biên phòng Việt Nam; chỉ đạo các đồn biên phòng tham mưu cho các xã, thị trấn biên giới tiếp tục tổ chức tập huấn, tuyên truyền sâu, rộng Luật Biên phòng Việt Nam.
Xác định tuyên truyền Luật Biên phòng Việt Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; nhất là đối với các xã, thị trấn biên giới. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các đồn biên phòng đã chủ động bám sát kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, tích cực nghiên cứu, biên soạn có hệ thống các nội dung cốt lõi của Luật Biên phòng Việt Nam và các văn bản quy định chi tiết để tổ chức tuyên truyền bảo đảm, chất lượng, thiết thực, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa bàn, từng đối tượng.
Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang) phát tờ rơi tuyên truyền cho nhân dân phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép quan biên giới |
Phóng viên: Luật Biên phòng là văn bản pháp quy chính thức khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của lực lượng BĐBP trong đội hình các lực lượng, tổ chức trên địa bàn biên giới, xin đồng chí cho biết thực tế thì như thế nào?
Đại tá Đào Hồng Hà: Khi Luật Biên phòng Việt Nam ra đời đã quy định rõ nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với công tác quan trọng này. Luật quy định rõ ràng nhiệm vụ, chức năng của BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Từ các buổi tập huấn, tuyên truyền, các nội dung của Luật đã từng bước đi vào cuộc sống. Các cấp, các ngành, địa phương, cán bộ và nhân dân đã nắm được những nội dung cơ bản, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về biên phòng.
Đồn Biên phòng Bạch Đích (BĐBP Hà Giang) tổ chức sơ kết đề án |
Đối với Hà Giang, qua 1 năm thực hiện Luật Biên phòng Việt Nam, công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp, các ngành, địa phương đã nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo các nguồn lực cho nhiệm vụ biên phòng và hỗ trợ lực lượng BĐBP nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.
Phóng viên: Đường tuần tra biên giới đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế xã hội trên dải đất hình chữ S (từ địa đầu Lũng Cú đến đất Mũi Cà Mau), vậy cung đường Hà Giang như thế nào thưa đồng chí?
Đại tá Đào Hồng Hà: Tỉnh Hà Giang có đường biên giới dài trên 277 km, tiếp giáp với 2 tỉnh Vân Nam và Quảng Tây - Trung Quốc. Khu vực biên giới của tỉnh thuộc địa bàn 07 huyện, nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em. Đây là địa bàn còn khó khăn về nhiều mặt. Hệ thống đường tuần tra chủ yếu là đường đất, đá, nằm trên những sườn núi cao, vực sâu, chia cắt, đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Đồn BP Lũng Cú (BĐBP Hà Giang) phối hợp với dân quân xã Lũng Cú tuần tra bảo vệ biên giới |
Trong những năm qua, Chính phủ và Bộ Quốc phòng đã quan tâm, đầu tư xây dựng trên 220 km đường tuần tra biên giới. Điều này đã hỗ trợ rất lớn cho BĐBP trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới; giữ vững chủ quyền lãnh thổ; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm.
Ngoài ra, đường tuần tra biên giới kết hợp với mạng lưới giao thông giúp cho việc đi lại thuận lợi hơn; thúc đẩy giao thương, phát triển KT-XH, du lịch, văn hóa và xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định đời sống Nhân dân trong khu vực biên giới.
Đồn Biên phòng Tùng Vài (BĐBP Hà Giang) tuần tra kiểm soát biên giới tại khu vực mốc 292, địa bàn xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (Hà Giang). |
Trong thời gian tới mong các Bộ, ngành Trung ương, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đường tuần tra biên giới đối với tỉnh Hà Giang, tạo điều kiện cho BĐBP tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia và phát triển KT-XH của địa phương.
Phóng viên: Với đồng bào vùng cao, nước và nước sạch là vấn đề căn cơ trong quốc kế an sinh xã hội. Lực lượng Biên phòng Hà Giang đã và đang thực hiện các chương trình gì để cùng với đồng bào nơi đóng quân giải quyết vấn đề này, thưa đồng chí?
Đại tá Đào Hồng Hà: Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng như cấp ủy, chính quyền địa phương, từ năm 2009 đến nay, BĐBP tỉnh Hà Giang đã được đầu tư 6 công trình dự án cấp nước sạch cho các Đồn Biên phòng và cụm dân cư với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, phục vụ đời sống sinh hoạt cho cán bộ chiến sỹ và khoảng 15.000 người dân địa bàn 08 xã biên giới có nước sạch.
Để tiếp tục giải quyết vấn đề về nước sạch, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã và đang tiếp tục đề nghị Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Quốc phòng cũng như tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư dự án cấp nước sạch cho Đồn Biên phòng và các cụm dân cư, đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp hệ thống bể chứa, hệ thống máy lọc nước để đảm bảo đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân khu vực đóng quân của đơn vị./.
Trân trọng cảm ơn ông!