Bình vôi, vị thuốc hỗ trợ điều trị xơ gan
Sức khỏe 02/07/2024 14:22
1. Biểu hiện của bệnh xơ gan
Thời kì đầu xơ gan thường không có triệu chứng, về sau tùy thuộc từng mức độ có các biểu hiện của hội chứng suy tế bào gan, hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa, người bệnh mệt mỏi, chán ăn, vàng da, sạm da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phù, cổ trướng, suy giảm chức năng tình dục... Ngoài ra, gan có chức năng miễn dịch và lọc thải các độc tố ra khỏi cơ thể, khi gan bị xơ hóa, không thực hiện được chức năng này khiến cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm bệnh (viêm phổi, nhiễm trùng máu... ).
Xơ gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời dẫn tới xơ gan cổ trướng. Đây là giai đoạn gan bị tổn thương nặng nề, lúc này chức năng trao đổi chất, chức năng lọc máu, tiêu hóa, bài tiết mật của gan kém đi, sức đề kháng của người bệnh giảm đi, người bệnh dễ mắc các bệnh về đường ruột, tiết niệu, hô hấp và ống mật.
Xơ gan cổ trướng gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể như: Xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt là làm giãn tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình dạ dày. Nếu không xử trí kịp thời sẽ rất nguy hiểm…
2. Đặc điểm của cây bình vôi
Cây bình vôi là một loại dây leo, phần dưới thân phát triển thành củ to, bám vào núi đá, có củ rất to, nặng tới hơn 20kg. Da thân củ màu nâu đen, xù xì giống như hòn đá. Hình dáng thay đổi tùy theo nơi củ phát triển. Nếu mọc ở đất thì củ nhỏ hơn, thường gọi là “củ gà ấp”. Từ thân củ mọc lên những thân màu xanh, nhỏ, mềm.
Lá mọc so le, hình bầu dục hay hình tim hoặc tròn, đường kính 8-9cm, cuống lá dài 5-8cm. Hoa nhỏ mọc thành tán. Hoa cái có cuống tán ngắn, còn hoa đực có cuống tán dài. Quả chín hình cầu màu đỏ, tươi, trong chứa một hạt hình móng ngựa.
Cây bình vôi thường ưa mọc ở những vùng có núi đá tại các tỉnh Hà Tây, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Nam Hà, Ninh Bình, Hải Phòng, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, ...
Để làm thuốc, củ bình vôi thu hái vào mùa Hè Thu, bỏ các rễ con, rửa sạch đất, cạo bỏ vỏ đen, thái phiến phơi khô, ngâm rượu hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác sắc uống.
3. Công dụng của củ bình vôi
Theo nghiên cứu của y học cổ truyền, củ bình vôi vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hành khí lợi thuỷ. Thường dùng trị viêm họng, ho ra máu, chảy máu cam, xuất huyết, nhiệt độc ung thũng và tràng nhạc.
Kinh nghiệm dân gian thường dùng củ bình vôi sắc uống hoặc ngâm rượu chữa mất ngủ. Liều dùng 10-15g. Các bài thuốc Nam từ củ bình vôi có công dụng hỗ trợ điều trị viêm gan, viêm dạ dày, viêm khí phế quản, suy nhược thần kinh…
Theo y học hiện đại, củ bình vôi có tác dụng an thần, gây ngủ và chống co giật; điều trị có kết quả một số trường hợp cao huyết áp, đau tim, mất ngủ, hen, đau bụng, lị amíp...
4. Bài thuốc hỗ trợ điều trị xơ gan, xơ gan cổ trướng
Các thương tổn trong xơ gan thường không thể hồi phục được nhưng hoàn toàn có thể làm chậm hoặc ngăn ngừa các thương tổn gan bằng việc điều trị tích cực và phù hợp.
Dùng một trong số bài thuốc sau:
Bài 1: Bình vôi 10g (sao), bạch hoa xà thiệt thảo 30g, trinh nữ hoàng cung 30g. Sắc nước uống.
Bài 2: Bình vôi 10g (sao), bạch hoa xà thiệt thảo 30g, đan sâm 30g, kim tiền thảo 30g, xa tiền tử 15g. Sắc nước uống.
Bài 3: Bình vôi 10g, diệp hạ châu đắng 30g. Sắc nước uống.
5. Một số bài thuốc Nam trị bệnh từ củ bình vôi
Trị mất ngủ do suy nhược thần kinh: Bình vôi 12g, lạc tiên12g, vông nem 12g, liên tâm 6g, cam thảo 6g. Sắc uống, ngày một thang.
Chữa bệnh đường tiêu hóa, viêm dạ dày: Bình vôi, dạ cẩm, khổ sâm, xa tiền tử, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.
Trị bệnh đường hô hấp, đau họng, viêm phế quản: Bình vôi, huyền sâm, cát cánh, mỗi vị 12g, trần bì 10g. Sắc uống, ngày một thang.
Trị bệnh động kinh, thần kinh căng thẳng: Bình vôi, câu đằng, thiên ma, viễn chí, mỗi vị 12g. Sắc uống, ngày một thang.