Biến chủng Omicron có “tàng hình” với kit test?
Y tế 21/03/2022 13:42
Không nên cố test để tìm “2 vạch”
Chị N.T.N (ngụ tại quận 9, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, gia đình chị có 9 người. Mọi người trong nhà đều có kết quả dương tính qua thực hiện test nhanh, đã được y tế địa phương tới hướng dẫn và phát thuốc điều trị. Duy có mình chị trong người có nhiều triệu chứng như: ho khan, đau họng, rát họng, nhưng trong suốt 8 ngày chị tìm cách test nhanh liên tục nhưng que kit test vẫn chỉ “1 vạch”. Cho tới ngày thứ 9 khi chị có tình trạng hơi tức ngực, que test mới thể hiện “2 vạch”. Lúc này chị N mới tới Bệnh viện 175 và được bác sĩ cho uống thuốc.
Biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn, xét nghiệm khó tìm ra hơn nên quan trọng nhất vẫn là xác định yếu tố dịch tễ, bằng chứng bệnh lý để có cách điều trị và phòng lây cho người xung quanh. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn khối Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh phân tích, nếu mới là F1 đã test ngay COVID-19 hay test liên tục để cố chứng minh rằng mình bị nhiễm là không đúng và không cần thiết. Trong “mùa” Omicron đang lây lan hiện nay, việc test không quan trọng bằng theo dõi triệu chứng của cơ thể. Có triệu chứng gì thì chữa triệu chứng đó. Với Omicron bản chất là nhẹ, người chích ngừa đủ mũi vaccine rồi thì không nên quá lo lắng.
BS Nguyễn Ngọc Phương, nhân viên khoa xét nghiệm sinh học phân tử BV 30-4, Bộ Công an cho biết, để xác định một biến chủng virus, người ta phải làm xét nghiệm giải trình tự gene. Riêng với biến chủng Omicron BA.1 do có đột biến khuyết thiếu một số gene nên có thể phát hiện được ngay bằng xét nghiệm PCR chứ không cần giải trình tự gene. Ngược lại với Omicron BA.2 do không có các đột biến này nên khi xét nghiệm PCR chỉ xác định được là virus SARS-CoV-2 chứ không xác định ngay được là Omicron, do vậy nó được gọi là "Omicron tàng hình".
Tuy nhiên, ghi nhận tại Bệnh viện 30-4 thời gian gần đây, một số trường hợp bệnh nhân không bị ho, không bị sốt, không đau họng tức là không có một triệu chứng gì nhưng lấy mẫu xét nghiệm PCR cho kết quả nhiễm COVID-19 biến chủng Omicron, tức “âm” triệu chứng nhưng “dương” kết quả. “Omicron “tàng hình” còn là ở chỗ này. Chính vì âm triệu chứng nên là người bệnh không hề lo lắng và trở thành nguy cơ lây lan cho người khác. Vì bản thân họ nghĩ họ không phải là F0. Nên, từ lúc bị bệnh tới khi hết bệnh họ cũng không biết, họ là nguồn lây trong cộng đồng”. BS Phương nhấn mạnh.
Đa số các trường hợp Omicron đều có triệu chứng nhẹ hơn người nhiễm chủng Delta. Bệnh không gây mất mùi, mất vị, triệu chứng thì nhẹ hơn. Người mắc chủng Omicron BA.2 cũng không có tình trạng nặng hơn chủng BA.1. Chủng BA.2 có đặc tính độc lực mạnh hơn một chút so với chủng BA.1.
Biến chủng Omicron lây lan nhanh hơn, xét nghiệm khó tìm ra. Nếu nghi ngờ mắc COVID-19 nhưng khi xét nghiệm lại âm tính, người xung quanh trong nhà đã có kết quả dương tính, thì phải coi như mình là F0 rồi và chủ động phòng lây cho mọi người.
"Omicron tàng hình" cần được test ra sao?
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, qua khảo sát của y tế, khi giải trình tự gene ngẫu nhiên khu vực TP Hồ Chí Minh, qua xét nghiệm tầm soát 119 trường hợp mắc COVID-19, ghi nhận 103 người nhiễm biến chủng Omicron, chiếm 86%. Qua giải mã trình tự gene 67 mẫu, ghi nhận có 24 trường hợp nhiễm biến thể BA.1 và 43 trường hợp nhiễm biến thể BA.2.
Chưa có bằng chứng về việc người mắc BA.2 gây bệnh nặng hơn so với BA.1 hay các biến chủng khác cũng như chưa ghi nhận thông tin "Omicron tàng hình" lẩn tránh test nhanh. Nhưng trên thực tế, với chủng Omicron, việc test nhanh sẽ không nhạy bằng xét nghiệm RT- PCR.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm nghi ngờ âm tính giả không phải do virus lẩn tránh test nhanh, mà có nhiều nguyên nhân khác. Đó là chủng BA.1 cũng như chủng phụ BA.2 có đặc điểm lây bệnh rất nhanh, đôi khi đã thâm nhập vào cơ thể nhưng kháng nguyên vẫn chưa biểu hiện, do đó khi test có thể chưa phát hiện được bằng test nhanh.
Điều quan trọng nữa, hiện nay, chất lượng các loại kit test trên thị trường cũng chưa được nghiên cứu bài bản, không đồng đều với độ nhạy và độ đặc hiệu. Chưa kể, những ngày đầu phát hiện bệnh, nồng độ virus trong cơ thể còn quá thấp, test nhanh cũng có thể khó phát hiện virus hơn PCR. Khi mẫu bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả test sai. Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm, thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không đọc kết quả trước hoặc sau thời gian quy định.
Test nhanh thế nào để chính xác kết quả khi nhiễm Omicron “tàng hình”? Các biến thể phụ của Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh thành, nhất là ở Hà ... |
Yêu cầu nhà thuốc niêm yết giá kit-test; xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng tăng giá Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang ... |