Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025
Nhịp sống văn hóa 21/07/2021 15:58
Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 (Chương trình) đặt ra những nhiệm vụ cụ thể, chủ yếu trong đó tập trung vào việc hoàn thành lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi các di sản đã được UNESCO ghi danh, các di tích quốc gia đặc biệt đã được xếp hạng.
Bức tường thành phía Bắc di sản thế giới Thành nhà Hồ có nguy cơ bị sạt đổ từ hồi đầu năm cần được nhanh chóng tu bổ |
Theo đó, đầu tư tu bổ, tôn tạo tổng thể ít nhất 3 di sản đã được UNESCO ghi danh và 13 di tích quốc gia đặc biệt; đầu tư tu bổ ít nhất 11 di tích cách mạng - kháng chiến quan trọng, tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và 6 di tích khảo cổ tiêu biểu; đầu tư tu bổ, tôn tạo ít nhất 20 di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh, khảo cổ cấp quốc gia có giá trị đang bị xuống cấp. Hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết ít nhất 400 lượt di tích quốc gia.
Đối với hệ thống bảo tàng, lần này Chương trình yêu cầu thực hiện các dự án chỉnh trang nội dung trưng bày, nâng cấp trang thiết bị và hệ thống trưng bày bảo tàng bao gồm: Duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho lưu giữ hiện vật của các bảo tàng công lập; trang bị, thay thế trang thiết bị, nâng cấp trưng bày các bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng tại các vùng kinh tế trọng điểm, các địa bàn có sức thu hút khách du lịch. Đáng chú ý, Chương trình cũng đã nhấn mạnh đến việc cần phải duy tu, bảo trì hệ thống trưng bày và kho bảo quản bảo vật quốc gia; kiểm kê, sưu tầm di vật, hiện vật, cổ vật quý hiếm. Đối với việc xây dựng và triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ, kế hoạch bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, di sản tư liệu có giá trị tiêu biểu, bên cạnh thực hiện cam kết của Chính phủ đối với các di sản đã được UNESCO ghi danh, Chương trình còn nhấn mạnh đến công tác tổ chức các lớp truyền dạy thực hành di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng. Bảo tồn và phát huy giá trị các làng, bản, buôn truyền thống tiêu biểu để kết hợp với phát triển kinh tế du lịch. Trao đổi với Văn Hóa, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nhìn nhận, có thể nói Chương trình vừa được Chính phủ ban hành là rất kịp thời và có những bước đột phá vào một số đối tượng cần bảo tồn, phát huy giá trị. Nói cách khác, cách đây mươi mười lăm năm, khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nhiều di sản của các bậc tiền nhân đã được hồi sinh, và thoát được tình cảnh đổ nát, xuống cấp; nhiều loại hình văn hóa phi vật thể được quan tâm nghiên cứu, bảo tồn để trao truyền cho đời sau thì nay, với Chương trình này như một cú hích mới, góp phần “chấn hưng” tài sản của cha ông, tạo điều kiện cho di sản nước nhà được phát huy giá trị một cách mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Cũng theo nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc, trước đây nhiều di chỉ khảo cổ học chứa đựng giá trị đặc biệt quan trọng về văn hóa, lịch sử, dân tộc học... là đối tượng dễ bị tổn thương bởi sự xâm phạm, ít được quan tâm đầu tư, thì nay Chương trình đã ghi rõ trong những đầu mục công việc. Hay như bảo tàng, một thiết chế văn hóa rất quan trọng cũng đã được xác định là đối tượng cần phải quan tâm như duy tu, nâng cấp trưng bày... “Trong vòng năm năm, nếu chúng ta thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu được đề ra trong Chương trình thì di sản văn hóa sẽ thực sự trở thành tài nguyên vô giá đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh nguồn lực tài chính, chúng ta cũng phải đặc biệt quan tâm đến nguồn lực con người để đảm bảo rằng, mỗi công trình di tích, mỗi loại hình văn hóa phi vật thể khi được đầu tư tu bổ, tôn tạo, bảo tồn nó vẫn giữ nguyên giá trị”, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc nói.
Về giải pháp thực hiện, Chương trình đặc biệt nhấn mạnh đến công tác phổ biến, nâng cao nhận thức, pháp luật về di sản văn hóa; quản lý, giám sát sử dụng nguồn lực… Trong đó sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí, các đài truyền hình, đài phát thanh đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng chuyên mục về Chương trình này trên trang thông tin điện tử của Bộ VHTTDL cũng như của các cơ quan chuyên môn về văn hóa ở địa phương kết quả thực hiện Chương trình, đồng thời huy động sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa. Đối với giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, Chương trình cũng đã khuyến khích liên doanh, liên kết với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp ở trong nước và nước ngoài trong việc đầu tư cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát việc thực hiện các mục tiêu và tiến độ triển khai các nhiệm vụ; huy động sự tham gia, đóng góp, giám sát của xã hội trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình; ngăn chặn kịp thời những biểu hiện tiêu cực, thất thoát, lãng phí nguồn vốn được cấp…
PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Chương này này có một ý nghĩa rất quan trọng, góp phần làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Kế thừa và phát huy Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa cách đây hơn mười năm trước, Chương trình này sẽ tạo ra nguồn động lực mới làm cho di sản văn hóa không còn chỉ là tài sản tinh thần mà còn là tài nguyên du lịch, tài nguyên giáo dục, qua đó tạo ra những giá trị bền vững. “Nhìn nhận ở góc độ này chúng ta mới thấy Chương trình thực sự đã nâng lên nhiều ở cấp độ cả về quy mô lẫn đối tượng thụ hưởng, từ đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam vì sự phát triển bền vững”, ông Bài cho biết.