Bài thuốc tăng cường chức năng gan
Sức khỏe 18/10/2019 10:04
Gan và chức năng gan
Gan là cơ quan lớn thứ hai trong cơ thể (sau da). Gan đóng nhiều vai trò quan trọng khác nhau trong việc bảo tồn sức khỏe của chúng ta. Tùy theo kích thước và trọng lượng của mỗi cá nhân, gan có sức nặng từ 1.100 - 1.800g. Gan phụ nữ nhỏ hơn gan đàn ông. Gan nằm dưới lồng ngực phải, cách phổi bởi hoành cách mô. Theo truyền thống, gan vẫn được chia thành 2 thùy chính, thùy phải và thùy trái, dựa theo vị trí của dây chằng liềm. Dây chằng này nối liền gan với hoành cách mô và thành bụng trước. Tuy nhiên, sự phân chia này không tương ứng với cơ cấu của lá gan, nên ngày nay, người ta chia lá gan thành 8 khúc dựa vào những phân phối của mạch máu.
Gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể cùng một lúc tiếp nhận máu từ 2 nguồn khác nhau: 30% từ tim và 70% từ tĩnh mạch cửa. Máu từ tim với các dưỡng khí và nhiên liệu sẽ nuôi dưỡng các tế bào gan. Máu đến từ tĩnh mạch cửa nhận máu từ những cơ quan như bao tử, lá lách, tụy tạng, túi mật, ruột non, ruột già, cũng như các cơ quan khác nhau trong bụng. Vì gan là cơ quan đầu tiên, tiếp nhận các chất dinh dưỡng và hóa tố khác nhau hấp thụ từ hệ thống tiêu hóa, gan đã trở thành “nhà máy lọc máu” chính và quan trọng nhất trong cơ thể. Thức ăn và tất cả nhiên liệu, vì thế, sẽ phải đi qua gan trước để được thanh lọc và biến chế thành những vật liệu khác nhau. Ðây cũng là nguyên nhân chính mà ung thư từ nhiều cơ quan và bộ phận khác có thể lan sang gan một cách dễ dàng.
Chức năng sản xuất và chuyển hóa chất béo: Một trong những chức năng quan trọng của gan và liên quan rất nhiều đến sức khỏe của cơ thể.
Gan tổng hợp axít béo từ glucid, protid và từ các sản phẩm thoái hóa của lipid. Axít béo được chuyển hóa theo chu trình (oxy hóa của Knoop để cho năng lượng (chiếm 60% chuyển hóa axít béo của cơ thể). Ngoài ra, gan còn tổng hợp cholesterol, cholesteroleste, phospholipid, triglycerid và các lipoprotein (HDL, LDL và VLDL). Phospholipid và lipoprotein là các dạng vận chuyển lipid chủ yếu của cơ thể. Cholesteroleste là dạng vận chuyển axít béo.
Axít béo là một trong những nguồn năng lượng quan trọng nhất được dự trữ trong cơ thể chúng ta và cũng là thành phần cơ bản của nhiều loại mỡ quan trọng, kể cả chất triglyceride. Các loại mỡ này có thể được so sánh như những viên gạch của một căn nhà. Vì thế, khi gan bị tổn thương, “nhà” sẽ bị rạn nứt, dễ đổ vỡ. Gan cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tiếp thu và biến chế các chất mỡ và cholesterol đến từ thức ăn thành những chất đạm mỡ. Những chất mỡ này không những chỉ là những nguồn nguyên liệu quý báu khi đói, mà còn là những thành phần cơ bản của nhiều chất hóa học và kích thích tố khác nhau. Sự điều chỉnh các chất mỡ này là một trong những yếu tố quan trọng bảo vệ cơ thể chúng ta trước nhiều bệnh tật. Chất mỡ và cholesterol được tìm thấy nhiều nhất ở các loại thịt mỡ, thịt nâu, một số đồ biển như tôm, cua...
Tổng hợp chất mật: Chất mật sau khi được chế tạo trong tế bào gan, sẽ được cô đọng và dự trữ trong túi mật. Sau mỗi bữa cơm, chất mật sẽ theo ống dẫn mật đi xuống tá tràng, trà trộn với thức ăn và giúp cơ thể nhũ hóa các chất béo. Khả năng sản xuất chất mật của người bị chai gan sẽ từ từ giảm dần gây ra trở ngại trong vấn đề hấp thụ chất mỡ và chất béo. Vì thế, họ sẽ dần dần mất kí rồi trở nên thiếu dinh dưỡng cũng như thiếu những vitamins tan trong mỡ như vitamin A, D, E, K. Khi thiếu vitamin K, họ sẽ dễ bị chảy máu hơn.
Các vị thuốc, bài thuốc
Atisô: Một vị thuốc rất tốt cho gan và mật, chất chống oxy hóa cynarin và silymarin có trong atisô rất có ích cho gan.
Ðối với những bệnh nhân gan, atisô hỗ trợ chức năng tiêu hóa, cải thiện chức năng của túi mật và mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với gan. Hoa atisô có tác dụng bổ dưỡng, kích thích tiêu hóa, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, thường dùng nấu canh. Bộ phận dùng làm rau của cây atisô là cụm hoa bao gồm đế mang hoa, các lông tơ và các lá bắc (có phần gốc mềm màu trắng bao chung quanh).
Thành phần dinh dưỡng: Trong 100g hoa atisô có chứa: 3 - 3,15g protein, 0,1 - 0,3g lipid, 11 - 15g glucid (chủ yếu là inulase, tốt cho người bị tiểu đường) và 82g nước.
Ngoài ra, hoa atisô còn có chứa các khoáng chất như mangan, phospho, sắt, các vitamin A, B1, B2, C, cung cấp 50 - 70 calori. Hoa atisô khi nấu chín có tác dụng bổ dưỡng tăng lực, kích thích tiêu hóa làm ngon miệng, lợi gan mật, trợ tim, lợi tiểu, chống độc, tăng tiết sữa cho sản phụ (khi hầm với chân giò).
Trong Ðông y, hoa atisô dùng trong các trường hợp đau gan, đau dạ dày, ăn uống không tiêu, sản phụ ít sữa, tiểu đường, thống phong, thấp khớp, suy nhược cơ thể…
Chế biến: Rửa sạch hoa, chẻ dọc thành 6 - 8 miếng, luộc chín, nấu canh, hầm xương lợn hay bò, hoặc xào với nấm. Chú ý: Khi dùng hoa atisô chỉ nên dự trữ trong tủ lạnh tối đa 7 ngày, khi nấu không dùng nồi bằng nhôm hay gang vì các kim loại này làm atisô mất màu, gây đắng khó ăn.
Atisô là vị thuốc có lợi cho gan, mật, tăng cường chức năng gan, mật sẽ giúp cơ thể điều chỉnh lượng cholesterol.
Uất kim: Phần rễ phình ra thành củ của cây khương hoàng (Curcuma aromatica Salisb.) hoặc cây nghệ. Thân củ được gọi là khương hoàng, củ con được gọi là uất kim. Theo Ðông y, uất kim vị cay hơi ngọt, tính hàn; vào các kinh tâm, phế, can. Có tác dụng hoạt huyết chỉ thống, hành khí giải uất, thanh nhiệt lương huyết, lợi đởm thoái hoàng. Hằng ngày dùng 6 - 12g. Dùng sống hoặc sắc lấy nước.
Người bệnh cũng có thể dùng uất kim để làm mát gan, giải độc, lợi gan mật, tăng sinh tế bào, tăng hiệu quả bài thải các chất độc hại cho gan với những bài thuốc sau:
Bài 1: Kê nội kim 16g, kim tiền thảo 20g, uất kim 12g, hồ đào 20g, hải kim sa 20g. Sắc uống. Trị sỏi mật.
Bài 2: Trừ ứ, giảm đau: Uất kim, đan sâm, đương quy, bạch thược, đảng sâm, trạch tả, hoàng tinh, sơn dược, sinh địa, rễ cây chàm mỗi vị 12 - 20g; sơn tra, thần khúc, tần giao, hoàng kì mỗi vị 12 - 16g, nhân trần 20 - 60g, cam thảo 8 - 16g. Nghiền chung thành bột mịn để làm hoàn, hoặc hòa nước, hoặc sắc uống. Mỗi lần 8g, uống trước bữa ăn sáng và tối, chiêu bằng nước đun sôi còn ấm. Uống 6 ngày thì nghỉ 1 ngày; mỗi đợt điều trị 6 - 8 tuần, nghỉ 1 tuần, sau đó uống tiếp. Dùng khi bụng ngực đau nhức do huyết ứ khí trệ, nhất là khi do viêm gan cấp và mạn tính, thời kì đầu, viêm gan trúng độc.
Trên đây là bài thuốc Đông y có tác dụng mát gan, lợi mật, mỗi bệnh nhân cần có kế hoạch chăm sóc gan cũng như sức khỏe chung để bảo đảm quá trình hoạt động của gan được tiến hành đều đặn. Nếu như người bệnh có mắc bất cứ bệnh lí nào về gan thì bệnh nhân nên đến các trung tâm y tế chuyên khoa để được khám bệnh và có phương án điều trị bệnh sớm nhấtn