Ẩn hoạ từ những cây cầu
Đời sống 12/09/2024 10:51
Với tư cách một người dân, tôi chỉ mạnh dạn nêu vài ý kiến như sau:
Thứ nhất, cần kiểm tra, rà soát lại chất lượng xây dựng, bảo dưỡng, sửa chữa các cây cầu, bởi hiện nay bằng mắt thường không ai có thể biết cây cầu ấy có còn an toàn không. Đơn cử như cầu Trung Hà cũng do Sở GTVT tỉnh Phú Thọ quản lí bắc qua sông Đà. Năm 2024, các báo rầm rộ đưa tin và lo ngại về việc nước sông Đà cạn trơ đáy, một số trụ móng (T12, T13) vỡ bê tông, hở cả cốt thép, có cọc bê tông bị xiêu... Thế nhưng, theo một số người trong nghề GTVT thì đó là vấn đề bình thường, nằm trong phạm vi cho phép của kĩ thuật xây dựng cầu…
Nguồn IT |
Tuy nhiên, sau đó Sở GTVT tỉnh Phú Thọ được Bộ GTVT đầu tư 1,2 tỉ đồng để sửa chữa cầu Trung Hà. Cứ tưởng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng hư hỏng, xuống cấp của cây cầu này sẽ được khắc phục. Song, không rõ vì sao việc sửa chữa phải kéo dài thời hạn, đầu tiên là xong trước mùa mưa lũ và tiếp đến là cuối tháng 9/2024 mới hoàn thành. Bây giờ đã là gần giữa tháng 9, lũ lụt lại đang dâng cao kỉ lục trên các con sông ở miền Bắc, việc hoàn thành sửa chữa cây cầu này có đúng thời hạn đề ra hay không thì chỉ những người trong cuộc mới trả lời được.
Thứ hai, cần phải có giải pháp thiết thực, phù hợp bảo vệ các móng trụ cầu trên sông. Các móng trụ cầu thường xuyên ở dưới mặt nước, liên tục chịu lực tác dụng của trọng lực, sự xói mòn, va đập của dòng chảy, rều rác, cây que trôi trên sông, thậm chí là cả sự đâm va của các phương tiện vận tải thủy lưu thông qua gầm cầu. Ngoài ra, việc khai thác cát sỏi trên sông gần khu vực cầu cũng làm cho phần đất cát móng trụ cầu bị xói lở, dẫn đến hở chân cọc bê tông móng... Vì vậy, bên cạnh việc ứng dụng các kĩ thuật tiên tiến trong xây dựng cầu, cần phải có giải pháp bảo vệ phù hợp như xây dựng thêm các trụ chống va đập, tạo sự bồi lắng cát, ngăn xói lở chân móng (như đã làm ở cầu Long Biên).
Công tác kiểm tra, duy tu, sửa chữa cầu phải tiến hành thường xuyên và cố gắng hoàn thành trước mùa mưa lũ. Khi phát hiện cầu có dấu hiệu yếu, cần có biện pháp kiên quyết, triệt để điều tiết giao thông qua cầu và dưới mặt sông để bảo đảm an toàn. Mặt khác, cũng cần nghiêm cấm và xử lí nghiêm khắc tình trạng khai thác cát sỏi bừa bãi trên sông. Nhiều người cho rằng, đây là nguyên do chủ yếu dẫn đến sập cầu Phong Châu.
Có một vấn đề nữa liên quan đến an toàn của con người trên các cây cầu. Đó là tình trạng người dân kéo nhau lên cầu để live stream, chụp ảnh mưa lũ, tai nạn tung lên mạng. Hình ảnh này cũng đã diễn ra ngay cả khi cầu Phong Châu vừa sập xong, khiến rất nhiều người chứng kiến lo thắt ruột. Có lẽ, đây cũng là một thói quen của sự hiếu kì, mà từng cá nhân cần phải điều chỉnh ngay và các cấp chính quyền, cơ quan chức năng cũng phải kiên quyết ngăn chặn.
Đôi điều nghĩ vội trên đây, với ước muốn hạn chế ẩn hoạ từ những cây cầu.