Xuân về trên vùng cao Y Tý
Văn hóa - Thể thao 19/01/2021 13:00
Những phong tục lâu đời
Y Tý nằm trọn trong thung lũng ở phía Tây của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Với độ cao trên 2.000m so với mực nước biển, Y Tý tựa lưng vào dãy Nhù Cồ San quanh năm mây bay, gió thổi. Dân tộc Hà Nhì ở Ý Tý chiếm đến 60% dân số, còn lại là đồng bào Dao, Hán, Giáy, Mông... Họ sống quần tụ đoàn kết trong các bản làng, hay bên những sườn núi có những ruộng bậc thang dài mê mải.
Buổi sáng thứ Bảy, khi hơi sương còn giăng giăng khắp chốn, mặt người nhìn chưa rõ, trên khắp các ngả đường đồng bào hối hả đổ về chợ Y Tý. Người thồ hàng bằng xe máy, kẻ chất lên lưng ngựa, các bà các mẹ thì gù lưng gùi, gánh. Anh A Hờ, một cư dân bản địa cho biết: “Chợ phiên Y Tý chỉ họp vào sáng thứ Bảy, nhưng trong tháng Tết thì luôn đông vui, nhộn nhịp, đồng thời còn thu hút đông khách du lịch”. Chợ không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa, mà còn là dịp để đồng bào gặp gỡ, chuyện trò, các chàng trai, cô gái diện những bộ trang phục truyền thống, trao duyên, hẹn hò. Sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Dao, Mông, Hà Nhì… đan quyện với nhau, tạo nên một bức tranh đầy sắc màu giữa vùng sơn cước với bạt ngàn màu xanh của núi đồi.
Chợ vùng cao |
Đồng bào cũng đón Tết Nguyên đán như người Kinh. Trong 3 ngày Tết họ đến chơi nhà nhau, thăm hỏi, chúc Tết họ hàng, người thân và giao lưu văn nghệ trong cộng đồng. Đối với người Hà Nhì còn có “Tết tháng Hai” (tiếng Hà Nhì gọi là Lễ Cúng rừng “Gạ ma do”) để thể hiện lời hứa với thần rừng là không xâm hại đến rừng thiêng. Lễ vật dâng cúng thần rừng gồm có một con lợn chừng 60kg, 6 con gà, 6 mâm xôi và 6 lít rượu. Mỗi nhà phải cử một người, mặc trang phục truyền thống của dân tộc để vào khu “rừng thiêng” của thôn để làm lễ. Đặc biệt, tất cả mọi người phải bỏ giày dép, đi chân đất. Theo quan niệm của người Hà Nhì, như vậy mới thể hiện được sự tôn trọng đối với thần rừng. “Gạ ma do” gần như giữ nguyên bản những nghi lễ, phong tục truyền thống lâu đời của người Hà Nhì với mong ước một năm mới có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu, gia đình hòa thuận…
Khởi sắc từng ngày
Ở Y Tý có kiến trúc nhà ở đặc biệt, đó là nhà trình tường, một kiểu nhà còn giữ được nét hoang sơ nguyên thủy theo lối kiến trúc truyền thống của người Hà Nhì. Nhà thường được kết cấu hình chữ nhật, có một cửa chính và cửa tò vò thông gió ở trên cao, không có cửa sổ, nhưng mùa Đông rất ấm áp mà mùa Hè lại mát mẻ. Tường nhà được nện bằng đất, dày từ 30 - 40cm. Mái nhà chủ yếu được lợp bằng gỗ. Các gia đình người Hà Nhì sống quây quần trong những ngôi nhà trình tường ở trên núi, bên cạnh những con suối và những lối mòn quanh năm rụng đầy lá cây rừng...
Cùng với nhà trình tường, việc bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc cũng được chính quyền địa phương làm tốt. Chính vì vậy, Y Tý đã từng bước đẩy lùi các hủ tục, lạc hậu, động viên đồng bào tích cực tham gia sản xuất. Đặc biệt, những năm gần đây, thông qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xã Y Tý đã được đầu tư đường giao thông, điện lưới quốc gia, trường học, kênh mương…
Dọc theo cung đường lên núi Nhù Cồ San khoảng 1km có đường đi vào rừng già. Nơi đây, đồng bào dân tộc trồng những cánh rừng thảo quả bạt ngàn. Nhờ đó, cuộc sống đã thay đổi, từ chỗ thiếu ăn đến có tiền để mua sắm, tổ chức Tết và không còn bị đói. Ngoài tên gọi là “vựa thảo quả” lớn của Lào Cai, Y Tý còn được biết đến là nơi trồng nhiều sâm đất (còn gọi là củ hoàng sin cô, có tác dụng bồi bổ và được dùng làm thuốc). Những năm gần đây, người Hà Nhì đẩy mạnh trồng sâm đất để sử dụng và bán ra thị trường.
Chủ tịch UBND xã Y Tý Phạm Văn Tâm cho biết: Xã đang định hướng cho người dân kinh doanh các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch khi đến với địa phương. Đặc biệt là dịch vụ homestay không chỉ là một sản phẩm du lịch đặc thù, một điểm lưu trú, khi đến đây, du khách còn được trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc và khám phá thiên nhiên, phong tục tập quán của người dân địa phương.
Tiếng ngựa thồ, tiếng bước chân gùi hàng vội vã của những thiếu nữ dân tộc Hà Nhì như đang giục giã nhịp gấp của thời gian những ngày cuối năm. Bồng bềnh trong nắng trưa là sắc hoa đào, hoa mơ trên các triền đồi như tô điểm thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Xuân đang về với vùng cao Y Tý càng thêm lung linh, ý nghĩa, khi cuộc sống của đồng bào nơi “địa đầu” Tổ quốc khởi sắc từng ngày.