Xứ Trầm hương: “Ngày thái lai” đang đến!
Đời sống 16/01/2020 10:41
Nhưng đau đớn hơn vẫn là những sai phạm nghiêm trọng mà Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương kết luận và công bố vào tháng 9/2019. Theo đó, một loạt cán bộ chủ chốt của tỉnh và các sở, ban, ngành đã bị xử lí và đang xem xét xử lí kỉ luật với nhiều mức độ khác nhau, thậm chí nhiều trường hợp vướng vào vòng lao lí. Nhưng… như quy luật của trời đất, Đông qua, Xuân tới, hết mưa là nắng lại hửng,… và “qua cơn “bĩ cực” đến ngày “thái lai”(!)…
Vào lúc 2 giờ sáng 4/11/2017, cơn bão với sức gió đạt cấp 13, giật trên cấp 15 kèm theo mưa lớn, là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua đổ bộ vào Khánh Hòa. Bão quần thảo liên tiếp trong 6 giờ liền từ Nha Trang ra Ninh Hoà, Vạn Ninh, rồi cả Phú Yên. Nhiều người cao tuổi ở Khánh Hòa xác nhận đây là cơn bão mà họ ít thấy trong cuộc đời. Hậu quả của bão để lại cho Khánh Hòa những tổn thất vô cùng nặng nề: Gần 50 người chết, 89 người bị thương; trên 10.000 căn nhà bị sập và hư hỏng; 3.826 ha lúa, 6.258 ha hoa màu các loại bị hư hại; 44.320 lồng cá và 3.270 bè nuôi tôm, cá bị trôi hoàn toàn. Thiệt hại khoảng 7.000 tỉ đồng, bằng 1/3 tổng thu ngân sách trong năm của tỉnh.
Đường 23/10 thành sông trong trận lụt lịch sử tháng 11/2018 |
Suốt năm 2018, chính quyền và Nhân dân Khánh Hòa gồng mình khắc phục hậu quả. Tưởng sự “trừng phạt” của thiên nhiên như vậy là quá đủ rồi, nào ngờ cuối năm 2018, Nha Trang, Khánh Hòa lại “đón nhận” một trận mưa lũ lịch sử nghiệt ngã.
Trận lũ lụt xảy ra vào ngày 18/11. Suốt một đêm trời mưa to. Sáng sớm hôm sau nhiều con đường, khu phố đã ngập trắng nước. Nhưng đỉnh điểm phải đến 9, 10 giờ trưa. Hầu hết các tuyến đường trên toàn TP Nha Trang biến thành sông. Giao thông tê liệt, ô tô, xe máy không thể chạy được. Nước tràn vào nhà dân. Đến trưa, chiều, khi nước rút, giao thông dần được khắc phục thông tin về thiệt hại do lũ lụt gây ra làm cho những người ít quan tâm cũng phải giật mình. TP Nha Trang có 17 người chết, hơn 20 người bị thương; trong đó thôn Thành Phát, xã Phước Đồng có 12 người chết do lở núi; phường Vĩnh Hòa, do mưa lớn làm vỡ 1 hồ nhân tạo trên cao, nước tràn xuống cuốn trôi một khu dân cư với 10 căn nhà, làm 4 người (gồm 2 vợ chồng và 2 con nhỏ) trong một gia đình bị thiệt mạng.
Nhân dân Nha Trang, Khánh Hòa lại oằn mình khắc phục hậu quả lũ lụt. Nhưng kết quả khắc phục chưa xong thì lại “đối đầu” một “cơn bão” khác. Những “cơn bão” do những người có chức có quyền tạo ra, buộc UBKT Trung ương tiến hành kiểm tra ở một loạt dự án trên địa bàn TP Nha Trang, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kết luận của UBKT Trung ương đánh giá: Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Khánh Hòa đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác quản lí, sử dụng đất và thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng, đấu thầu, đầu tư, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế…, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát rất lớn tài sản và ngân sách nhà nước.
Ban lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã bị UBKT Trung ương, Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ kỉ luật bằng nhiều hình thức đối với tập thể và một loạt cán bộ chủ chốt trong đó có Bí thư, Chủ tịch, nguyên Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; một loạt cán bộ chủ chốt ở các sở, ban, ngành trong hai nhiệm kì 2010-2015, 2016-2021, thậm chí có trường hợp đứng trước nguy cơ bị xử lí hình sự.
Những cơn “bão trời” và trận “bão đời” đã “vùi dập” Khánh Hòa, vốn được coi là vùng đất “rừng trầm, biển yến”; “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Nhưng Khánh Hòa không thể “ngã gục”. Không ai để cho Khánh Hòa tươi đẹp lại trở thành miền hoang phí. Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Nhân dân cả nước đã xúm tay giúp Khánh Hòa và chính cán bộ, đảng viên và Nhân dân Khánh Hòa tự đứng dậy.
Trung tuần tháng 10/2019 Ban Bí thư bổ nhiệm ông Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa giữ chức Bí thư Tỉnh ủy thay ông Lê Thanh Quang. Mặc dù mới nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Khắc Định đã bố trí lịch tiếp dân, liên tục đi xuống cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hàng loạt vấn đề về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng mà người dân quan tâm.
Cuối tháng 10, trong các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thẳng thắn: “Với tư cách là Chủ tịch HĐND tỉnh, tôi xin nhận khuyết điểm với cử tri vì đã để UBND tỉnh có nhiều sai phạm phải xử lí kỉ luật”. Ông cho rằng: “Vấn đề quan trọng hiện nay là khắc phục thiếu sót, khuyết điểm và nhanh chóng ổn định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, tập trung phát triển kinh tế, xã hội”.
Nhằm giúp Khánh Hòa nhanh chóng vượt qua “bĩ cực”, để đến ngày “thái lai”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tổ công tác và nhóm giúp việc Tỉnh ủy, UBND tỉnh tham mưu xử lí khắc phục những sai phạm. Tổ công tác và nhóm giúp việc đã làm việc suốt ngày đêm, cả thứ Bảy và Chủ nhật.
Đảng bộ Khánh Hòa đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Một bầu không giữa trầm lắng, suy tư nhưng khẩn trương, sôi động lại đang diễn ra. Giống như mùa Đông đã và đang trải qua thời kì rét buốt để chuyển mùa sang Xuân ấm áp. Nhân dân Khánh Hòa cảm nhận được nỗi xót xa của mình trước sự vùi dập của thiên nhiên và ngay bản thân mình đối với quê hương tươi đẹp. Tuy nhiên, như quy luật của thiên nhiên và quy luật của xã hội. “Hết mưa nắng lại ửng lên thôi” và “qua con bĩ cực sẽ đến ngày thái lai”!. Bước sang mùa Xuân mới Canh Tý - 2020, Khánh Hòa sẽ… đến ngày thái lai!.