Xăng dầu tăng giá, nhiều phương tiện đánh bắt thủy sản đỗ bờ
Xã hội 19/07/2022 17:44
Ông Bùi Đình Nghị, ở khu 12, phường Hà An, vay mượn đóng chiếc tàu kéo chã, lắp máy 350 CV, với kinh phí hơn 1 tỷ đồng đưa vào hoạt động gần 10 năm nay. Địa bàn đánh bắt vùng biển Long Châu, Cô Tô, Bạch Long Vĩ. Ngoài hai vợ chồng, gia đình ông còn thuê thêm một lao động cùng làm, mỗi tháng trả trung bình từ 10 đến 11 triệu đồng. Tuy nhiên do giá xăng dầu tăng cao, cùng các chi phí tăng nên gần như chuyến đi biển nào cũng lỗ, thu không đủ chi, buộc phải đỗ bờ từ đầu năm đến nay.
Tàu cá neo đậu nhiều tháng nay ở khu vực bến đò phường Hà An, thị xã Quảng Yên. |
Chủ tàu sắt, đánh te lắp máy công suất 550 CV, Bùi Đình Quang, ở khu 11, phường Hà An, cũng phải quyết định cho tàu đỗ bến từ sau Tết Nhâm Dần 2022 đến nay. Ông Bùi Văn Quang cho biết ngư trường mà phương tiện gia đình ông đánh bắt là khu vực Long Châu và Bạch Long Vĩ, ngoài 2 vợ chồng, gia đình còn thuê thêm 02 lao động, những năm trước giá xăng dầu ổn định, không có biên động nên mỗi chuyến đi biển ngoài chi phí cũng có tích lũy lo cho con, cái học hành hiện nay thì quá khó khăn luôn.
Ông Quang trăn trở, gia đình tôi cũng như một số chủ tàu khác trên địa bàn có tàu đang đỗ bến, gia đình nào cũng nợ ngân hàng cả trăm triệu đồng, vẫn biết rằng hàng tháng vẫn phải trả lãi vay, không đi làm thì không có tiền trả lãi, chưa tính đến chuyện trả gốc, nhưng càng làm càng lỗ, nên buộc phải đỗ bến. Chưa hết, mỗi ngày đỗ bến chúng tôi phải thuê người trông 30.000đ/1 ngày đêm, mỗi tháng riêng tiền trông tàu cũng gần một triệu đồng. Bà Bùi Thị Nụ, một chủ tàu ở phường Tân An, tạm trú tại khu 9, phường Hà An chia sẻ, gia đình đang muốn bán chiếc tàu chã vỏ sắt, để chuyển nghề, rẻ cũng bán, khổ nỗi không có người mua, bà Nụ cũng cho biết thêm hiện nay giá dầu Diesel cũng đã giảm một phần nhưng vẫn còn cao nên gia đình tôi và nhiều chủ tàu khác cũng chưa có kế hoạch rời bến ra khơi .
Năm trong số cả chục chủ tàu đánh bắt thủy sản hiện đỗ bờ ở phường Hà An, trao đổi với PV |
Ông Vũ Đức Hoàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hà An cho biết; hiện Hà An có 217 phương tiện và gần 600 lao động làm nghề đánh bắt thủy sản, trong đó có 14 phương đánh bắt tuyến khơi, thời gian gần đây do giá nhiên liệu tăng cao thu không đủ chi, nên nhiều chủ tàu đã quyết định cho tàu đỗ bờ nền đời sống của các gia đình họ rất khó khăn, rất mong được nhà nước quan tâm, có chính sách hỗ trợ.
Không riêng gì Hà An, các xã, phường khác trên địa bàn thị xã Quảng Yên như Nam Hòa, Phong Hải, Tân An, Liên Hoà… cũng trong tình trạng tương tự, nhiều phương tiện đánh bắt thủy, hải sản cũng đành phải neo đậu tại bến từ nhiều tháng nay do chi phí đi biển và xăng dầu tăng cao.
Bốn trong hàng chục tàu đánh bắt thủy sản ở phường Phong Hải đỗ bờ từ nhiều tháng nay. |
Không chỉ ngành đánh bắt thủy, hải sản bị ảnh hưởng, mà nghề đóng tàu vỏ gỗ truyền thống trên địa bàn thị xã Quảng Yên đang có nguy cơ bị thất truyền, mặc dù ngày 17-11-2014, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2687 QĐ-UBND công nhận là làng nghề truyền thống đóng tàu, thuyền vỏ gỗ là làng Cống Mương, phường Phong Hải và làng nghề Đò Chanh, phường Nam Hoà.
Ông Lê Đức Chắn, sinh năm 1950, một chủ lán thuyền ở khu Cống Mương, phường Phong Hải cho biết: Nghề đóng thuyền của cha, ông được duy trì đến ông là đời thứ 7, con ông là đời thứ 8. Ông có 4 người con trai, 4 người con gái, các con ông trai, gái đều mở lán đóng thuyền, thợ thuyền trong mỗi một bếp nhà ông có lúc lên đến 200 người, chưa kể 11 lán thuyền trong khu vực, nay các lán hầu như đóng cửa vì không có việc làm, các con, cháu ông đã bỏ xưởng, chuyển nghề sang nuôi hầu.
Ông Lê Đức Chắn, nghệ nhân làng nghề truyền thống đóng tàu, thuyền vỏ gỗ khu Cống Mương, phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, nhưng không có việc cả năm nay. |
Được biết, để tháo gỡ khó khăn cho ngư dân, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công văn số 814/UBND-NLN1, gửi các Sở, ngành có liên quan và các địa phương quan tâm, tạo điều kiện trong điều kiện có thể giúp các ngư dân duy trì sản xuất, đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương cơ cấu lại sản xuất khai thác thủy sản đảm bảo phát triển bền vững theo hướng mở rộng nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, trong đó lựa chọn một số đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh; cơ cấu lại đội tàu khai thác thủy sản. Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì phối hợp với Công an tỉnh, Cục quản lý thị trường và UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, điều tra về tình trạng ép giá của các chủ thu mua, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Đề nghị Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thương mại, ra soát lại các đối tượng vay là ngư dân, có phương án hỗ trợ giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ đối với các chủ tàu vay vốn phục vụ cho sản xuất nhưng chưa trả nợ đúng hạn.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, ông Trần Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Quảng Yên cho biết; hiện nay Phòng đang triển khai đến UBND các phường, xã trên địa bàn, rà soát, thống kê chi tiết những chủ tàu đang có dư nợ vay vốn tín dụng để sản xuất tại các ngân hàng, tổng hợp báo cáo tỉnh, đồng thời chủ động đăng ký, cấp phép gia hạn lưu hành các phương tiện trong phạm vi thẩm quyền.
Tin rằng với sự quan tâm tâm của tỉnh và các ngành, của các cấp chính quyền từ thị xã đến phường, những khó khăn của các chủ tàu đánh bắt thủy sản sớm được tháo gỡ và đi vào hoạt động, duy trì sản xuất đánh bắt, giảm bớt khó khăn, nâng cao thu nhập và đời sống cho ngư dân trên địa bàn.