Việt Nam và Hàn Quốc là “những người bạn thật sự của nhau”
Xã hội 25/03/2022 22:49
Hiện Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 9.223 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 74,7 tỷ USD lũy kế tới hết tháng 12/2021; đối tác ODA, du lịch, lao động lớn thứ hai và đối tác thương mại lớn thứ ba với kim ngạch thương mại song phương đạt 78 tỷ USD trong năm 2021. Tính đến nay, các địa phương Việt Nam – Hàn Quốc đã ký kết được khoảng 80 Bản ghi nhớ hợp tác trong các lĩnh vực: thương mại, đầu tư, giao lưu nhân dân, nông nghiệp, giáo dục – đào tạo, lao động…
Toàn cảnh Hội nghị gặp gỡ Hàn Quốc được diễn ra ngày 25/3 tại Thanh Hóa |
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vắc xin trong nước, Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam như dành tặng Việt Nam gần 1,4 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 (lượng vaccine tài trợ đầu tiên và nhiều nhất của Hàn Quốc cho một quốc gia khác); các hiệp hội và doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam tham gia tích cực đóng góp cho Quỹ Vaccine phòng chống Covid-19. Những nghĩa cử cao đẹp nêu trên là minh chứng sống động cho mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Hàn Quốc và tình hữu nghị giữa hai dân tộc.
Ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao |
Phát biểu tại Hội nghị Gặp gỡ Hàn Quốc tại Thanh Hóa ngày 2/3, ông Nguyễn Minh Vũ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại khẳng định, giao Ngoại giao phục vụ phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của Bộ Ngoại giao. Với tinh thần “xây dựng nền ngoại giao kinh tế lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối để hỗ trợ các tỉnh/thành phố trong cả nước kết nối với các đối tác quốc tế; chủ động, tích cực hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư chất lượng cao, đẩy mạnh ngoại giao tập đoàn; hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp khai thác các địa bàn Việt Nam có ký kết FTAs, các thị trường tiềm năng; tăng cường công tác thông tin, cảnh báo rủi ro trong các hoạt động kinh tế quốc tế. Tôi rất mong muốn sau Hội nghị này, nhiều địa phương và doanh nghiệp sẽ tìm được đối tác phù hợp, nhiều ý tưởng hợp tác sẽ được hoàn thiện để đưa vào triển khai thực chất, hiệu quả. Tin tưởng chắc chắn rằng với tình cảm và quyết tâm của Chính phủ và nhân dân hai nước, Việt Nam – Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác tốt đẹp tạo ra những kết quả tích cực trong thời gian tới.’’
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa |
Đồng hành cùng những giai đoạn lịch sử phát triển tốt đẹp, rực rỡ trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc; quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Hàn Quốc đã không ngừng phát triển. Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác quan trọng trên nhiều lĩnh vực của tỉnh Thanh Hóa.
Bên cạnh các hoạt động hợp tác kinh tế, thương mại, tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thực hiện 05 dự án ODA với tổng vốn 135 triệu USD; trong đó, viện trợ không hoàn lại 1 triệu USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, phát triển đô thị... Các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đối ngoại nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần đưa mối quan hệ hợp tác giữa tỉnh Thanh Hóa với các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Hàn Quốc đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa cam kết ‘‘Tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư, doanh nghiệp và các đối tác Hàn Quốc đến khảo sát, triển khai các hoạt động hợp tác đầu tư vào tỉnh; trọng tâm là đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột, như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch; y tế chất lượng cao; phát triển hạ tầng, đô thị và nguồn lao động; đầu tư vào 4 trung tâm kinh tế động lực của tỉnh là TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn, Khu Kinh tế Nghi Sơn, Thạch Thành - Bỉm Sơn, Lam Sơn - Sao Vàng, góp phần cùng với lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc Việt Nam; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước".