Vị "phù thủy" trong bài trí sân khấu
Văn hóa - Thể thao 16/05/2018 10:27
Tất Ngọc đến với thiết kế mĩ thuật sân khấu như một cơ duyên. Vừa “chớm” tuổi trưởng thành, Mỹ ồ ạt ném bom, đánh phá miền Bắc, chàng trai quê Đô Lương, Nghệ An vào học tại Trường múa Việt Nam. Vốn thông minh, khi đang học, Tất Ngọc được các thầy cô giao múa Solis một số tác phẩm. Tháng 7/1966, tốt nghiệp trường múa, ông xung phong về Đoàn Văn công Quân khu 4. Hồi đó, Khu 4 là “túi bom, chảo lửa”, văn công chia nhỏ thành các đội xung kích đi biểu diễn phục vụ bộ đội, Nhân dân. Mặc bom đạn kẻ thù, các chiến sĩ - nghệ sĩ có mặt tại các trận địa, trọng điểm địch đánh phá: Quảng Bình, Vĩnh Linh, đảo Mắt, đảo Ngư, Cồn Cỏ... Trên sân khấu dã chiến, không chỉ thể hiện tài năng múa, ông còn say sưa biểu diễn kịch câm, khẩu thuật, ảo thuật. Là Đội trưởng Đội múa, Tất Ngọc như một ngôi sao sáng của Đoàn văn công Quân khu 4 thời ấy.
NSƯT Nguyễn Tất Ngọc |
Ngày hòa bình, Tất Ngọc muốn thử sức mình ở lĩnh vực mới mà ông hằng đam mê ấy là trang trí, thiết kế mĩ thuật sân khấu. Tháng 7/1982, ông thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Năm 1987 tốt nghiệp chuyên ngành Mĩ thuật sân khấu với tấm bằng loại ưu, ông được Đoàn kịch nói quân đội (nay là Nhà hát Kịch quân đội) nhận về công tác. Tại đây, ông miệt mài sáng tạo, thiết kế cho Đoàn 21 vở kịch lớn, vở nào cũng được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Tiêu biểu như “Gương mặt đại dương”, “Đồng quê âm vang”, “Bản hùng ca linh thiêng”... Phát hiện ở người họa sĩ có tiềm năng biểu diễn kịch câm, ảo thuật, khẩu hình, lãnh đạo Đoàn khuyến khích ông thể hiện. Năm nào ông cũng đi biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ khắp cả nước, ra cả đảo Trường Sa.
Nét tài hoa của nghệ sĩ Tất Ngọc được cả nước biết tiếng. Nhiều vở diễn, lễ hội, sự kiện do ông đảm nhiệm thiết kế mĩ thuật để lại dấu ấn không lẫn vào ai. Ông còn là biên đạo múa có hạng. Còn nhớ, năm 1997, ông được mời dàn dựng vở sử thi “Ý chí” của tác giả Xuân Đức nhân Đại hội Hội Người khuyết tật lần thứ nhất và kỉ niệm 25 năm giải phóng thành cổ Quảng Trị. Vở có trên 1.000 diễn viên, trong đó có rất nhiều người khuyết tật, biểu diễn gần 100 phút, gây được tiếng vang khắp cả nước.
Với mục đích đem cái đẹp cao thượng đến với công chúng, các mảng miếng trang trí của Tất Ngọc không chỉ đẹp về hình thức bằng trực giác, bằng đường nét bố cục, màu sắc hài hòa của hội hoạ, mà còn đẹp về nội dung, mang đến cho người xem những gợi cảm trong chiều thời gian không gian khác nhau theo chủ đề tác phẩm. Ông có lối thiết kế, sắp xếp sân khấu khoa học, chuyển cảnh nhanh, gọn; có khi cảnh trí còn cơ động linh hoạt tham gia biểu diễn cùng diễn viên, biến đổi từ không gian này sang không gian khác một cách thú vị.
Thiết kế sân khấu của ông không chỉ mang tính ước lệ cao, tính khái quát, tính hình tượng của ngôn ngữ, của hội họa độc lập, mà còn đóng góp hiệu quả vào chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Nhiều đạo diễn sân khấu có uy tín như các NSND Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền, Lê Hùng... rất thích cách làm việc cũng như phần thiết kế sân khấu của NSƯT Tất Ngọc, bởi ông góp phần làm cho tác phẩm thăng hoa.
Hành trình sáng tạo của NSƯT Tất Ngọc vẫn chưa có điểm dừng. Từ khi nghỉ hưu (năm 2007) đến nay ông có thêm 7 huy chương vàng, 9 huy chương bạc tại các hội diễn sân khấu, ca nhạc, xiếc toàn quân, toàn quốc và quốc tế. Các đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, Quân khu 1, Quân khu 2... các đoàn nghệ thuật Nghệ An, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng... mỗi lần tham gia hội diễn ca múa nhạc toàn quân, toàn quốc đều “cậy nhờ” tới tài năng thiết kế mĩ thuật của Tất Ngọc. Các “anh cả” về nghệ thuật như Nhà hát chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam những khi có vở lớn đều mời NSUT Tất Ngọc đảm nhiệm phần mĩ thuật sân khấu. Các vở “Mảnh gương nhân sự”, “Ngọc Hân công chúa”, “Mong gió đừng đổi chiều”... khi tham gia các hội diễn sân khấu toàn quốc giành huy chương vàng đều ghi nhận thành công của NSƯT Tất Ngọc.
Xem kịch mục của các Đoàn nghệ thuật, thấy bước chân Tất Ngọc in dấu trên nhiều miền quê đất nước. Mấy năm gần đây, ông làm mĩ thuật cho các vở chèo “Chuông ngân rừng trúc” (Nhà hát chèo Hải Dương); “Nữ tướng thục Nương” (Đoàn chèo Phú Thọ); “Tiếng hát đại ngàn” (Nhà hát chèo Ninh Bình)... Ông là tác giả mĩ thuật các lễ hội của Ninh Bình, Nghệ An, Hải Phòng, Bắc Ninh, Yên Bái, Caraval Hạ Long Quảng Ninh, Tây Bắc, Lễ hội Bài ca thống nhất, kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội...
Ở tuổi 70, Tất Ngọc vẫn là nghệ sĩ đa tài, riêng thiết kế mĩ thuật sân khấu ông được nhiều người mệnh danh là “phù thủy”. Khi biểu diễn kịch câm, ảo thuật, khẩu thuật hình... Tất Ngọc trẻ trung, nhanh nhẹn như một chàng trai. Mới đây, tác phẩm múa “Vũ nữ Apsara” do ông biên đạo cho Nhà hát Tuồng Việt Nam; biên đạo múa cho phim ca nhạc “Trương Chi” đều nhận được những lời khen sâu sắc. Ở ông, ngoài tài hoa trời ban có lẽ do một phần rèn luyện không mệt mỏi, công phu của người nghệ sĩ.
Bài và ảnh Nguyễn Đình Phượng