Tục làm cỗ chay cúng ở làng Thượng Thanh
Văn hóa - Thể thao 27/01/2025 08:12
Trong hậu cung còn lưu cuốn Ngọc phả kể lại sự tích về Ngài: Cai Công là con một gia đình khá giả, quê ở động Lăng Xương, phủ Hưng Hoá, đạo Sơn Tây. Thân phụ là Vương Quang, giỏi thi thư, thân mẫu là Đào Thị Hồng, ngoài 40 tuổi mới sinh được Ngài. Truyện kể rằng: Cai Công mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, vốn thông minh và có sức khỏe hơn người. Lớn lên Cai Công mở lò vật, có đến hơn 500 trai tráng trong vùng theo học. Được tin Hai Bà Trưng dấy cờ khởi nghĩa, Cai Công đã huy động tất cả trai tráng trong lò vật xin tình nguyện đứng dưới cờ nghĩa của Hai Bà. Khi đứng dưới cờ nghĩa của Hai Bà, Cai Công có sức khỏe, nhưng lại có mắt phượng mày ngài, cạo râu, sửa tóc giả làm nữ giới. Trong buổi Cai Công kéo quân đến, Hai Bà rất hài lòng và tiếp nhận.
Đã có nhiều buổi, Hai Bà trực tiếp chỉ huy Cai Công và các tướng lĩnh thao diễn trên thao trường. Đường kiếm của Cai Công như phượng lượn, như hổ vờn, Hai Bà rất nể phục. Nhưng cũng chính qua các buổi thao diễn ấy, Hai Bà như cảm thấy có một dấu vết gì hơi ngờ ngợ. Đường gươm thật là đẹp, nhưng quá mạnh và sắc bén. Đường gươm ấy không thể nào là của nữ giới mà là dáng vẻ của nam tử. Biết vậy nhưng chưa có dịp thử trí.
Trong một buổi, Hai Bà mở tiệc khao các tướng lĩnh. Mọi người đều nâng cốc chúc mừng, Cai Công uống rượu nhiều nhất. Tuy vậy, Hai Bà vẫn nghĩ rằng trong nữ lưu nhiều người “tửu lượng” không kém các bậc nam nhi!
Một buổi, nhân dịp các vị bô lão từ nhiều vùng xa xôi trong cả nước về chúc mừng Hai Bà, mong Hai Bà dấy binh khởi nghĩa toàn thắng để cứu non sông đất nước. Hai Bà liền trao một nhiệm vụ đặc biệt cho Cai Công là “têm trầu”. Têm trầu sao mà khó đến thế! Cai Công ngồi têm trầu, têm đi, têm lại đều bị hỏng.
Cai Công đành đến tạ tội trước Hai Bà và tâu trình: “Thần xin chịu tội! Thần thực sự không phải là nữ giới. Chỉ vì muốn nhanh chóng được nhận đứng dưới cờ nghĩa. Xin Hai Bà mở rộng lòng soi xét”.
Hai Bà nhận thấy Cai Công là người trí dũng và thành thật, nên phong cho làm Nguyên soái. Thống lĩnh 3 vạn quân. Tháng 3 năm ấy, Cai Công làm lễ tế cờ ở Thượng Thanh thần rồi kéo quân lên cửa Hát Giang hội quân. Hai Bà Trưng lập đàn tế cáo trời đất, rồi “tương kế, tựu kế”, cho quân của Cai Công mặc trang phục giả nữ, tiên phong, đánh thẳng vào chính diện quân Tô Định ở thành Luy Lâu, nơi đầu não của giặc, để tỏ ra oai phong ngay từ những trận đầu.
Theo đúng mệnh lệnh của Hai Bà, trận đánh nổ ra. Quân Tô Định không ngờ nữ binh của Hai Bà có sức dũng mãnh như thế, nên đã đại bại. Tô Định hoảng loạn phải bỏ thành mà chạy. Trận đầu toàn thắng, quân Hai Bà từ khắp nơi đều nổi dậy. Quân Tô Định tan vỡ. Hai Bà đã thu được 65 thành trì, mở trang sử mới rực sáng cho non sông đất nước ta.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, phong cho Cai Công là: “Khai quốc Đại Nguyên Soái” giúp vua dựng nước. Sau ngày toàn thắng, Cai Công lại trở về quê hương Thượng Thanh thần. Dân làng vui mừng đón rước và muốn giết trâu, mổ bò dâng hiến quan quân, Cai Công vội ngăn lại và dạy rằng: “Quốc phú, binh cường là nhờ sức kéo của trâu bò. Vậy nỡ lòng nào mà giết nó”. Dân làng nghe theo và làm cỗ chay dâng hiến thì Ngài nhận ngay. Từ đó làng có tục làm cỗ chay khi cúng tế.
Ba năm sau, nhà Đông Hán sai Mã Viện mang quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh chiến đấu rất dũng cảm, cuộc chiến đấu không cân sức, nghĩa quân lui về giữ Cẩm khê, cuối cùng tan vỡ, Hai Bà hi sinh giữa trận tiền. Cai Công vẫn tiếp tục chiến đấu quyết liệt. Đến khi chỉ còn 28 nghĩa binh ông mở đường máu, phá vây, rút về Thượng Thanh thần để mưu lập nghiệp về sau. Nhưng ông đã bị mất sớm, để lại niềm thương tiếc kính phục. Cảm ơn công đức của ông, dân làng lập miếu thờ ngay trên nền nhà cũ của ông và tôn vinh ông là Thành hoàng. Quanh năm hương khói phụng thờ.
Từ đó tục làm cỗ chay để cúng tế Ngài được duy trì và không được cúng thịt trâu bò vào việc thánh; kiêng kị tên huý của Ngài khi đặt tên cho con hay nói đến hai chữ Cai Công phải nói trệch đi bằng từ khác.
Ngày 20/2 âm lịch hằng năm, dân làng mở hội tại miếu thờ Ngài. Khi mở hội, phải chọn những chàng trai khỏe mạnh, đẹp nhất mặc trang phục giả nữ để rước kiệu Ngài.
Hiện nay miếu Cai Công còn lưu giữ được 11 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn. Năm 1989, miếu Cai Công được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá.