Từ 1/3, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động
Tin tức 23/02/2023 18:37
Theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, kể từ ngày 1/3, có 3 đối tượng người lao động được áp dụng chính sách này, đó là: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động;
Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ 2 điều kiện:
+ Làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành.
+ Đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất 1 trong 2 yếu tố sau: Có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Tiếp xúc với ít nhất 1 yếu tố được xếp từ 4 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm (số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động).
Từ 1/3, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động. Ảnh minh hoạ |
Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau:
Mức 1: 13.000 đồng
Mức 2: 20.000 đồng
Mức 3: 26.000 đồng
Mức 4: 32.000 đồng
Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I của Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:
- Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;
- Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định - suất bồi dưỡng;
- Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.
Thông tư 24 nêu rõ, việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định.
Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.
Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
Khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định, người sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động; khi chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho người lao động.
Chỉ đạo bộ phận y tế cơ sở hoặc tham vấn ý kiến của chuyên gia về dinh dưỡng để xây dựng cơ cấu hiện vật dùng để bồi dưỡng phù hợp với việc thải độc, tăng cường sức đề kháng của cơ thể tương ứng với các mức bồi dưỡng, đồng thời phù hợp với từng vị trí việc làm, từng công việc cụ thể và sức khỏe của người lao động.
Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH quy định 1.838 nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, chia thành 42 lĩnh vực khác nhau như: Khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim; hóa chất; vận tải; xây dựng giao thông và kho tàng bến bãi; điện; thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông… |
Khiển trách Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2021-2026 Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc; kịp ... |
Lịch sử đối đầu, nhận định Inter vs Porto, 3h00 ngày 23/2 Inter vs Porto là cuộc đối đầu được người hâm mộ đón chờ tại Cúp C1 - Champions League ngày 23/2. Ngày mới Online cập ... |
Mắc hàng loạt vi phạm, Công ty 45 - Chi nhánh Tổng công ty Đông Bắc bị xử phạt NMO - Ngày 21/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty ... |