Tri thức bản địa của người cao tuổi trong phát triển xã hội bền vững
Xã hội 21/05/2020 09:28
Mối quan hệ hữu cơ
Phát triển bền vững là một khái niệm dùng để chỉ sự phát triển toàn diện xã hội hiện tại nhưng vẫn phải bảo đảm sự tiếp tục phát triển trong tương lai xa.
Phát triển bền vững gồm 4 nội dung chính: Tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công bằng xã hội; bảo vệ môi trường và tôn trọng các quyền con người, trong đó nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải bảo vệ được môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Để đạt được yêu cầu này cần nhiều yếu tố, trong đó có việc phải phát huy tri thức bản địa của cư dân trong xã hội và từng địa bàn.
Tục kiêng cấm cửa nhà bằng cành lá xanh được đồng bào dân tộc Mông, Dao ở xã Xuân Lập, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang, vận dụng vào phòng chống dịch Covid-19 Ảnh Hà Khánh |
Tri thức bản địa hiểu một cách chung nhất là những kiến thức mà người dân ở một cộng đồng tích lũy được để thích nghi, tồn tại và phát triển phù hợp với môi trường tự nhiên và xã hội. Những kiến thức này là nền tảng để cộng đồng dân cư đưa ra những quyết định trong cuộc sống hằng ngày như săn bắn, hái lượm, canh tác, chăn nuôi, bảo vệ nguồn nước, sức khoẻ và thích nghi với những thay đổi của môi trường. Kiến thức bản địa sử dụng nguồn tài nguyên của địa phương, ít phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài và chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác, hiếm khi được ghi chép lại.
Tri thức bản địa có nhiều loại hình, thuộc nhiều cấp độ, mang đặc tính lứa tuổi, giới tính và đặc điểm của nhóm xã hội. Người già và người trẻ, phụ nữ và nam giới, nông dân và thương nhân, người có học thức và người ít học... tất cả đều có các loại kiến thức khác nhau. Có những kiến thức chung được mọi người trong cộng đồng hiểu biết, lại có những kiến thức chuyên nghiệp - chuyên biệt, chỉ có ở một số ít người (thầy thuốc, thầy cúng, biểu diễn dân ca, dân vũ, bà đỡ, hoặc thợ thủ công…). Như vậy, bất kì nhóm cộng đồng nào cũng có kiến thức bản địa, song ở lớp NCT thì sự tích lũy và vận dụng tri thức bản địa có bề dày và chiều sâu hơn.
Tri thức bản địa của NCT
Trong thực tiễn, tri thức bản địa của NCT được thể hiện trong nhiều lĩnh vực và được nhiều địa phương tiến hành.
Người cao tuổi dân tộc Dao bảo tồn nguồn gien cây thuốc quý Ảnh IT |
Trước hết là việc phát huy vai trò của NCT trong tuyên truyền vận động Nhân dân, giải quyết vụ việc phức tạp, xây dựng Hương ước, Quy ước thôn, làng. NCT với kiến thức và kinh nghiệm của mình sẽ giúp cho cấp ủy, chính quyền và cộng đồng dân cư gắn việc thực hiện các truyền thống cũ như phong tục tập quán, luật tục với pháp luật hiện hành. Có những điều pháp luật Nhà nước khó giải quyết, nhưng thông qua “cái lí” của già làng, người có uy tín trong dòng họ, dân tộc, tôn giáo… thì lại thành công. Ví dụ, về bảo vệ rừng, pháp luật Nhà nước có rất nhiều điều khoản nhưng bà con vẫn vi phạm, tuy nhiên chỉ cần già làng đặt một cành cây xanh hoặc tấm ta-leo ở lối vào rừng là không ai dám xâm phạm, vì đây là điều cấm kị của dòng tộc hay buôn bản.
Tri thức bản địa của NCT góp phần kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của thiết chế quản lí xã hội như trưởng thôn, bản, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội… Các thiết chế này được coi là đại diện cho hệ thống chính trị của Nhà nước. Còn già làng, người có uy tín được người dân bầu ra, là đại diện của cộng đồng, dòng họ, tộc người. Tiếng nói của họ có ảnh hưởng rất lớn trong dẫn dắt tư tưởng, hành động của cộng đồng. Vì vậy, việc phát huy tri thức bản địa của NCT nhất là các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở sẽ góp phần thống nhất giữa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước với tâm tư, nguyện vọng, lợi ích của người dân, giúp hoạt động của hệ thống chính trị đạt hiệu quả cao hơn.
Trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tri thức bản địa về sinh kế của NCT được nghiên cứu, vận dụng vào quy hoạch dân cư, định canh, định cư; chuyển đổi vật nuôi, cây trồng; bảo tồn nguồn gien cây, con giống quý; bảo vệ tài nguyên, môi trường… Bằng tri thức và kinh nghiệm, NCT biết vùng đất này trồng được cây gì? Nuôi được con gì? Mùa vụ canh tác, cách nuôi trồng, để giống; mùa nào không được chặt cây, săn bắn, đánh cá… và đánh bắt ở mức độ nào để vạn vật còn phát triển, bảo đảm nguồn sống cho thế hệ sau.
Có thể nói, tri thức bản địa của NCT là vốn quý, có tiềm năng rất to lớn cần phải nghiên cứu, phát huy trong xây dựng kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững. (Còn nữa)