TP Hội An, tỉnh Quảng Nam: NCT của 2 vựa rau “cầm cự” trong đại dịch Covid-19
Xã hội 07/07/2021 09:34
Ngày ấy đâu rồi?
Hàng chục loại rau từ húng, răm, hành, đến lang, muống, cải… luôn có mặt trong mỗi bữa ăn gia đình, các nhà hàng, quán ăn ở Hội An, ở TP Đà Nẵng và nhiều vùng phụ cận bởi cái mùi thơm đặc trưng mà nhiều vựa rau nơi khác khó bì kịp! Ăn bánh tráng cuốn thịt heo, bánh xèo mà không có rau Trà Quế thì đã mất ngon một nửa! Rau Trà Quế không thể thiếu trong các bữa ăn, trong tô bún bò, bát mì Quảng, dĩa bánh xèo… Để có rau thơm ngon phải kể đến những người bám vườn sản xuất! Hầu hết họ là NCT! Hơn 70% NCT từ 60 đến hơn 70 một chút của thôn Trà Quế tham gia trồng rau, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống. Con cái ăn học thành đạt, nhà cửa khang trang, tiện nghi sinh hoạt đủ đầy cũng nhờ từ ngọn rau, cây cải mà ra.
Khi du lịch Hội An phát triển mạnh thì nhà hàng, quán ăn đua nhau mọc lên phục vụ du khách. Vườn rau trở thành điểm đến của du khách trong và ngoài nước. Một số dịch vụ “ăn theo” mở ra trong thôn như nhà hàng, quán ăn với nhiều món ăn đi kèm rau thơm Trà Quế... tại chỗ! Du khách được hướng dẫn cách làm đất, trồng rau, tưới nước như một nông dân thực thụ… Nhờ dịch vụ hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm làm nông dân, người trồng rau có thêm thu nhập… Ông Hồ Giả (79 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội NCT thôn Trà Quế kể: “Gia đình tôi có một sào rưỡi rau, cộng thêm dịch vụ hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm, thu nhập hơn 500 nghìn đồng/ngày. Đời sống, kinh tế NCT ở đây, nói chung khá ổn định”.
Không còn cảnh tấp nập thu mua rau, trải nghiệm làm nông dân ở Trà Quế như trước |
Năm 2014, có nhóm 10 NCT ở tổ 5, thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh trồng và chăm sóc vườn rau hữu cơ trên diện tích từ 6.000m2 lên hơn 10.000m2 do thành phố hỗ trợ với phương châm “Cộng đồng khỏe, nông dân vui” nên rau trồng ở đây không sử dụng hóa chất, chỉ dùng phân bón hữu cơ, chủ yếu phân trâu, bò… được ủ nóng.
Vườn rau cũng là nơi cho học sinh THCS, THPT của thành phố và nhiều trường ĐH ở Đà Nẵng đến học ngoại khóa… Giống như ở Trà Quế, dù sinh sau đẻ muộn, nhưng NCT ở vườn rau tại đây cũng tham gia các dịch vụ du lịch. Ngoài sản xuất rau sạch, NCT ở đây còn được 2 đơn vị lữ hành, du lịch phối hợp đầu tư như đưa khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm; các hội đoàn thể, ban, ngành thành phố hỗ trợ, tuyên truyền, quảng bá. NCT ngoài bán rau còn có thêm việc chèo thuyền thúng chở khách tham quan… Thu nhập ở vườn rau và dịch vụ du lịch, NCT mỗi tháng có được trên dưới 10 triệu đồng. Người trong nhà cũng có việc làm thêm như chèo thuyền thúng, dạy nấu ăn…
Ông Nguyễn Văn Chức, Giám đốc HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông chia sẻ: “NCT không muốn ở nhà, chỉ thích ra vườn rau chăm sóc, nhổ cỏ, bón phân, tưới nước. Các cụ dành thời gian nhiều hơn, trách nhiệm nhiều hơn với sản phẩm rau sạch khi đến tận tay người tiêu dùng”.
Nhà đón khách của HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông đóng cửa hơn một năm qua! |
Cầm cự chờ dịch bệnh đi qua
Hầu hết NCT của 2 vựa rau sụt giảm thu nhập, cuộc sống bị ảnh hưởng hết sức nặng nề. Quang cảnh 2 vựa rau hơn một năm rưỡi qua không còn nhộn nhịp khách tham quan như trước nữa! Du lịch “đóng băng”, khách nước ngoài không lui tới khiến đời sống NCT ở những nơi này gặp khó.
Ở Trà Quế, ông Lê Tuấn trước đây thu nhập từ vườn rau và hướng dẫn du khách trải nghiệm thu nhập khá ổn định nhưng nay giảm mạnh. Vườn rau của ông Mai Minh được khách hàng của Hội An, Đà Nẵng bao “đầu ra”. Trước đây cứ ồ ạt xuất hàng thì nay chỉ còn… thong thả! Có nhiều NCT vừa đánh bắt tôm trên sông Đế Võng vừa trồng rau nên thu nhập khấm khá... Cũng có người trước kia rau được bao tiêu thì nay chọn bán cho bà con trong thôn hoặc chở vào chợ… Tất cả phải cố thay đổi để thích nghi.
Trước đại dịch, con cái NCT ở HTX Rau hữu cơ và Du lịch Thanh Đông đều có việc làm ổn định. Người thì làm khách sạn, nấu bếp, người thì làm thợ xây dựng, công nhân may mặc… Dịch bệnh bùng phát, họ mất việc quay trở về nhà… Thu nhập của NCT ở HTX chỉ còn 3-4 triệu đồng/tháng phải chia năm xẻ bảy… ôm ấp đàn con! Ông NVC chia sẻ: “Con trai tôi trước đây làm bếp cho một nhà hàng. Sau nghỉ, về đầu tư mở quán nhậu, bám nguồn khách du lịch đến vườn rau. Đùng một cái, dịch bùng lên đành dỡ quán!”. Một số xã viên HTX thấy dịch bệnh yên yên bèn xuất vốn vào huyện Thăng Bình đặt đan thuyền thúng… đón đầu khách du lịch quay lại Hội An. Không ngờ nay phải úp thuyền…chờ đợi!
Thực tế cho thấy NCT ở HTX rau không phải khó khăn lắm so với những người ở các ngành nghề khác trong đại dịch. Tất nhiên tính về thu nhập thì thiệt hại thấy rõ khi vắng khách du lịch, đầu ra cho rau sạch cũng vì thế mà giảm đi. Tuy nhiên, các xã viên vẫn có rau ăn đều, có lúa gạo ăn... chờ qua đại dịch.
Thu nhập từ cây rau và khách du lịch giảm may mà còn có cây lúa gánh đỡ! Chẳng là trước đây nhiều bà con bỏ bê ruộng lúa nay quay lại cấy cày, khai hoang thêm đất mới… trồng lúa. Ông Hồ Giả kể, trước kia một sào ruộng lúa thu được chừng 7 bao (bao loại 45 kg) nay cũng với chừng ấy sào thu được 12 đến 13 bao!
“Bà con, hội viên NCT ở đây ăn nên, làm ra cũng nhờ từ cây rau. Dịch bệnh gây hại như thế này, tôi nghĩ rồi cũng được kiểm soát. Kinh tế sẽ lại ổn định và phát triển. Nhân dân mình sẽ vượt qua khó khăn thôi”, ông Nguyễn Nắng, Chủ tịch Hội NCT xã Cẩm Hà không giấu vẻ lạc quan.