Tiềm năng, sự hấp dẫn các nhà đầu tư của tỉnh Ninh Thuận
Doanh nghiệp - Doanh nhân 16/10/2023 15:53
Ông Trương Văn Tiến, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận |
Phóng viên: Thưa ông, đâu là biện pháp căn cơ giúp Ninh Thuận xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng và minh bạch?
Ông Trương Minh Tiến: Ninh Thuận thuộc duyên hải Nam Trung bộ, với lợi thế cửa ngõ kết nối vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, các tỉnh Nam Tây nguyên và Nam Trung Bộ, nằm giao điểm của 3 trục giao thông chiến lược là: Quốc lộ 1A, Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây nguyên. Diện tích tự nhiên 3.358 km2, bờ biển dài 100km, dân số 598,6 nghìn người; giàu bản sắc văn hóa, nguồn lao động dồi dào, con người mến khách, trọng nghĩa.
Ninh Thuận hiện có 3 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích trên 855ha đã đầu tư cơ bản hạ tầng kĩ thuật, mới lấp đầy khoảng 15%. Riêng KCN Cà Ná có 827ha đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Địa phương có lợi thế về quỹ đất, nhiều dư địa cho phát triển với giá đất thấp hơn so với mức giá của các tỉnh trong khu vực (bằng khoảng 20-30%)
Ninh Thuận có một số dự án trọng điểm như: Trung tâm điện lực LNG Cà Ná giai đoạn 1, quy mô 1.500 MW; tổng kho xăng dầu Cà Ná 100.000 m3, Tổ hợp hóa chất sau muối, hydro xanh, và xúc tiến, kêu gọi đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, v.v.
Về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên: Nắng, gió thuận lợi phát triển năng lượng tái tạo, du lịch, công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, kinh tế đô thị, tạo ra những sản phẩm hấp dẫn và giá trị khác biệt để phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những lợi thế và cơ hội phát triển mới, Chính phủ đã có chủ trương triển khai đầu tư nhiều công trình trọng điểm quốc gia như: Chuyển sân bay quân sự Thành Sơn thành sân bay lưỡng dụng, đường sắt cao tốc Bắc Nam, đường bộ cao tốc Bắc Nam. Cùng với đó, địa phương tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng hàng không, đường sắt, đường bộ, cao tốc, cảng biển; cảng cạn, Trung tâm Logistics, kết nối Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và khu vực Tây nguyên. Và hệ thống kết cấu hạ tầng kĩ thuật điện, nước, viễn thông.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, Ninh Thuận cấp quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 58 dự án; tăng cường rà soát các dự án chậm tiến độ. Cho đến bây giờ, Ninh Thuận có 4.283 doanh nghiệp đang hoạt động đạt năng suất, hiệu quả.
Phóng viên: Xin ông cho biết những nội dung trọng tâm trong công tác xúc tiến đầu tư cũng như hỗ trợ doanh nghiệp của Ninh Thuận hiện nay?
Ông Trương Văn Tiến: Nhằm tăng cường xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các nhà đầu tư có năng lực đầu tư vào địa phương; Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, phê duyệt Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2023 làm cơ sở để triển khai thực hiện các chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh; chỉ đạo tham dự các chương trình tọa đàm, hội thảo; đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ; tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc thông qua duy trì đối thoại định kì và chuyên đề; tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng.
Ngoài ra, địa phương đã làm việc với các Đại sứ quán, Tổng Lãnh sự quán cùng các tổ chức, doanh nghiệp của các nước: Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Ý, Na Uy tìm hiểu cơ hội đầu tư; phối hợp tuyên truyền các chuyên đề về thu hút các dự án đầu tư trên các ấn phẩm báo chí; quảng bá tiềm năng, định hướng kêu gọi đầu tư rộng rãi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận.
Phóng viên: Những giải pháp nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư được Ninh Thuận thực hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Văn Tiến: Để nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp:
Đẩy mạnh xúc tiến mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế như: Công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp khu đô thị mới, kinh tế biển; trước mắt tập trung xúc tiến mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp, nâng nhanh tỉ lệ lấp đầy các KCN Du Long, Phước Nam.
Cùng đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp trên nguyên tắc khó khăn, vướng mắc ở cấp nào, địa phương nào thì cấp đó, địa phương đó phải chủ động, kịp thời tháo gỡ, giải quyết; tập trung triển khai ngay các biện pháp tháo gỡ những điểm nghẽn, ách tắc với phương châm “sớm nhất - hiệu quả nhất” nhằm giảm thiểu thiệt hại, tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp, người dân.
Bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các dịch vụ công, giao dịch, xử lí công việc góp phần cắt giảm chi phí, thời gian nhanh; tập trung xây dựng chính quyền số, xã hội số; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, công nghệ, tạo nền tảng cho phát triển thương mại điển tử, kinh tế số.
Và tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động doanh nghiệp để kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương xem xét, sửa đổi, bổ sung một số luật còn đang bất cập, thiếu đồng bộ, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; khơi thông mọi nguồn lực cho đầu tư, kinh doanh.
Phóng viên:Trân trọng cám ơn ông!