Thương nhớ Kơ nia
Xã hội 29/09/2022 11:36
Có lẽ, ai cũng từng nghe đến một loài cây đặc trưng ở miền cao nguyên, ít nhất là qua lời bài hát “Bóng cây Kơ nia”, được phổ thơ từ bài thơ “Bóng cây Kơ nia” nổi tiếng của nhà thơ Ngọc Anh. Nhưng hình tượng, dáng cây, thế đứng như thế nào, chắc chẳng mấy người mường tượng ra. Cả người trẻ Jrai, Ê Đê, Xê Đăng, Ba Na... của vùng đất này cũng ít còn được thấy nữa.
Mùa đi nhặt hạt Kơ nia |
Amí Toan (gần 70 tuổi, người làng Ah, xã Ia mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) ngồi ghếch chân lên cầu thang nhà sàn, mắt chỉ về phía gần nhà mồ bảo làng chỉ còn một cây Kơ nia đó, nó là cây Kơ nia con, mọc lên từ gốc cây Kơ nia mẹ đã chết mấy chục năm trước. Nói là cây Kơ nia con, nhưng nó cùng tuổi với Amí Toan, cũng đã gần 70. Amí Toan bảo, sau giải phóng năm 75, vùng này nhiều lắm, lớn chừng nào cũng có, có cây 2-3 người ôm không hết. Nhưng bây giờ thì hết rồi, chỉ còn vài cây quanh vùng mà thôi.
Trong trí nhớ của Amí Toan, vẫn nguyên y chuyện xưa kể rằng, ngày xưa có đôi vợ chồng nghèo đã già mà chẳng có con. Hai vợ chồng buồn tủi vì cả đời sống lương thiện, ông đến bên sườn núi tế 7 ngày 7 đêm liền. Yang thấy được lòng thành, thương tình giúp ông bà có một đứa con gái. Ngày làm lễ đặt tên, vợ chồng ông đặt là, Knia. Cha mẹ mất mà vẫn nợ nhà giàu Knia bị bắt về làm người ở. Công việc quá khổ cực khiến cô kiệt sức, nằm lại giữa nơi mảnh đất cằn cỗi đầy gió trên triền đồi. Rồi từ nấm mộ cô mọc lên một cây thẳng tắp vươn cao. Cành cây như những cánh tay gân guốc dang rộng giữa trời xanh. Bao trận giông bão càn quét qua quật đổ các loài cây khác, riêng nó vẫn hiên ngang, sừng sững. Nhờ bóng mát che chở, những mùa rẫy sau cánh đồng trở lại tươi tốt, thóc lúa bội thu, nhà chủ đưa đi phân phát cho người nghèo. Dân làng đặt tên cây là Kơ nia. Từ đó, khi phát rẫy, thấy cây Kơ nia, dân làng giữ nguyên vì họ tin đó là nơi trú ngụ của thần linh, linh hồn người đã khuất.
Từ truyền thuyết ấy, mà có lẽ chính vì sức sống bền bỉ, mãnh liệt không có cây nào như cây Kơ nia, bốn mùa không thay lá. Đã trở thành huyền thoại. Cây Kơ nia chẳng biết vì sao lại là loài cây cô độc, thường mọc một mình giữa cánh rừng, giữa triền đồi cao, hay trong những thung lũng sâu. Họa hoằn lắm mới thấy Kơ nia mọc đôi, mọc ba. Amí Toan bảo, Kơ nia trên những triền thảo nguyên nắng gió không mọc nhiều bao giờ, nó lừng lững vươn cao lên hẳn so với những cây rừng khác. Nắng lửa sáu tháng mùa khô đằng đẵng, cây vẫn một màu xanh thủy chung. Càng nắng, cây càng xanh tốt hơn. Cây thẳng tắp vươn cao giữa đại ngàn. Những cành cây như những cánh tay gân guốc dang rộng giữa trời xanh. Giông bão, bom đạn chiến tranh bao phen Kơ nia vẫn hiên ngang, sừng sững. Có phải vì thế mà cây được ví như người Tây Nguyên, ngay thẳng, kiên trung, bất khuất.
Theo Amí Toan, trước đây khi bà con phát rừng làm rẫy thường để lại những cây Kơ nia lấy bóng mát. Các cây khác thường làm ảnh hưởng đến cây trồng nhưng riêng Kơ nia vô hại. Những bà mẹ địu con trên lưng trong những tháng ngày lao động trên nương, khi mỏi, thường đặt con dưới bóng mát Kơ nia. Hoặc giữa buổi trưa nắng, chỉ cần ngơi nghỉ chốc lát dưới bóng loài cây này cũng tan đi mỏi mệt.
Già Rơ Châm Chuck (làng Phung, Xã Ia Mơ Nông) mơ màng nhớ: “Ngày đó, tôi còn thấy cây Kơ nia có mặt ở khắp nơi: Chân núi, ven đồi, đầu buôn, bờ suối… Nhưng người ta đã ngả cây, đốn gỗ, phá rừng làm nương rẫy. Những cây Kơ nia cũng chịu chung số phận của những cánh rừng. Có một dạo, người ta còn muốn chặt hạ cả mấy cây Kơ nia đầu buôn để lấy đất xây nhà, dựng quán, nhưng già làng đã không cho phép ai được làm điều đó. Bởi Kơ nia là người thân của buôn làng, là hồn cốt của buôn làng, phải giữ lấy!”. Bây giờ, Kơ nia thân thương của làng Phung vẫn đó, dang rộng tay nơi bến nước, xòa bóng mát bên đường buôn cho người làng nghỉ chân mỗi lúc mệt nhoài