Thương nhớ Kơ nia
Văn hóa - Thể thao 30/09/2022 08:56
Những bóng Kơ nia lừng lững ven dọc đường đi, trầm tư trên triền đồi nương, rủ bóng quanh các buôn làng... luôn là hình ảnh quen thuộc thân thương trong mắt mọi người. Nhưng, cuộc sống khó khăn khiến nhiều người đốn hạ xuống hầm than bán buôn kiếm sống. Kơ nia cứ thế dần vắng bóng và lùi ra xa những khu dân cư, nhất là quanh vùng đô thị, chỉ còn lại ít ỏi ở những vùng xa.
Cuối tháng 4, cũng là cuối mùa khô Tây Nguyên, gió vẫn thao thiết triền đồi, nắng vẫn hừng hực vàng, những rừng cao su, cà phê, tiêu vẫn đang xanh ngăn ngắt một màu, nhưng dường như đều đặn và bình lặng quá đỗi trong những cánh rừng cây trồng công nghiệp ấy. Chẳng còn mấy cây Kơ nia ở vùng đất này nữa. Già Rơ Châm Chuck vẫn nhớ ngày xưa vùng này nhiều Kơ nia lắm, ngó hướng mặt trời mọc có vài cây, hướng mặt trời lặn có vài cây, hướng núi Păh có vài cây, hướng nào cũng có. Kơ nia thấp thoáng xa xa, cao hẳn lên trên tán rừng, đó là điểm đánh dấu cho những buôn làng. Nhìn về hướng đó, già Chuck biết đó là làng Kep, hướng kia là làng Ah, hướng kia nữa là làng B’loi, hay làng Mun. Hay xa xa hơn nữa nơi dòng Sê San mà nay thành lòng hồ thủy điện Ialy, thì có làng Yã, hay các làng khác nữa. Chỉ cần nhìn thấy cây, là biết ở đó có làng.
Không chỉ già Chuck, mà những người làng khác, ở những vùng đất khác, trên cao nguyên Kon Tum, hay cao nguyên Lâm Viên, hay dưới vùng thung lũng Ayun, dưới vùng An Khê, của những tộc người Ê Đê, Xê Đăng, Ba Na... đều thao thiết với Kơ nia. Không chỉ là cây bóng mát, Kơ nia đã soi bóng xuống hai cuộc chiến tranh tàn khốc và anh dũng của vùng cao nguyên này. Trong những ngày tháng chiến đấu cam go mất còn với kẻ thù, hẳn đã có rất nhiều người tựa nương vào Kơ nia tránh lửa đạn, đập hạt Kơ nia ăn chống đói. Hay những lúc im tiếng súng lại có những người như già Chuck ngồi tựa đầu dưới bóng mát cổ thụ trăm năm, để nhớ thương một khúc dân ca vẳng lại từ kí ức như những ngày còn nằm trên lưng mẹ.
Cây Kơ nia là biểu tượng của Tây Nguyên |
“Bây giờ Kơ nia còn ít quá!”, già Chuck quày quả bước vào nhà. Câu chuyện đột nhiên rơi vào im lặng. Già Chuck trao đổi gì đó với lũ trẻ bằng ngôn ngữ Jrai, rồi lũ trẻ cũng sôi nổi hẳn. Chúng mang ra một rổ hạt. Chỉ vào đó và nói: “Mình đi chăn bò thường nhặt quả Kơ nia ăn, ngon lắm. Hạt của nó ăn bùi gần giống đậu phộng. Con nai con mang cũng rất thích ăn quả này!”.
Hóa ra, Kơ nia không còn mấy nữa, nhưng những cây Kơ nia con vẫn còn lại đâu đó trong những khoảnh rừng da báo, lẫn với những ruộng rẫy. Và vào mùa, người làng lại đến gốc cây để nhặt quả. Thú vị là Kơ nia có… cây đực và cây cái. Cây cái thì mỗi năm hoặc hai ba năm sẽ cho quả kiểu như hạt dẻ, đập ra ăn có vị béo, thơm quyện nơi chót lưỡi. Quả Kơ nia khi mới chín rụng xuống, phần thịt bên ngoài có vị ngọt. Trái xanh có vị chua người dân thường lấy về kho với cá suối rất ngon. Sau khi trái rụng một thời gian, lớp vỏ thịt mỏng bị phân hủy còn hạt được bọc bởi lớp vỏ gỗ nên để cả năm không hỏng. Mấy năm trở lại đây, hạt Kơ nia bắt đầu được nhiều người biết đến, trở thành món ăn vặt thay cho hạt bí, hạt dưa, ăn một lần là nhớ mãi. Do vậy, du khách mỗi lần đến Tây Nguyên đều tìm mua một ít hạt Kơ nia về làm quà. Nhờ đó, mùa Kơ nia rụng quả, người dân có thêm một khoản thu nhập đáng kể từ hạt đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.
Chiều hoàng hôn phủ xuống đỏ ối phía triền tây, tôi dừng lại, ngắm nhìn để cảm nhận sâu hơn những cảm xúc mà mình có được về một loài cây biểu tượng này. Tiếng lá rì rầm như một lời thủ thỉ trò chuyện từ ngàn xưa vọng lại, tiếng chim hót ríu ra ríu rít trên cao. Thỉnh thoảng, đàn chim cất cánh bay lên giữa không trung rồi lúc lại trở về chốn cũ trên những cành cây vươn ra giữa bầu trời. Không biết ở những vùng đất khác trên cao nguyên này có còn nơi nào giữ lại được nhiều cây Kơ nia không, dù người ta gọi Kơ nia là cây “mồ côi” bởi loài này không mọc tập trung thành rừng mà rải rác, đơn lẻ. Nó “mồ côi” như một ám ảnh nhân sinh trong các cộng đồng buôn làng ở Tây Nguyên. Dù bây giờ, cây Kơ nia đã có tên trong Sách Đỏ bởi ngay tại Tây Nguyên thì loài cây này cũng đã trở thành của hiếm. Làm sao đừng để Kơ nia chỉ còn trong hoài niệm? Và biết đâu chừng, về sau xa nữa, nếu không được “bảo tồn” ngay từ giờ này, thì Kơ nia có lẽ cũng sẽ chỉ còn là… kí ức, như cái cách mà Amí Toan hay già Chuck vẫn thẫn thờ nhắc nhớ.