Thương binh Tạ Bá Khiêm từ kí ức đến hiện tại
Nhịp sống văn hóa 24/07/2020 16:15
Gặp ông trong đội hình những cựu sĩ quan lực lượng vũ trang (LLVT) nghỉ hưu. Kí ức của những năm tháng tuổi trẻ đầy vinh quang và hết sức hào hùng luôn là động lực để ông tiếp tục vươn lên, sống có ích cho bản thân và cưu mang những mảnh đời cơ nhỡ.
Ông Tạ Bá Khiêm ôn lại trận đánh lịch sử tại điểm cao A6B năm 1985 |
Thiếu tá Tạ Bá Khiêm quê ở xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Sinh ra, lớn lên trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, 18 tuổi đã xếp bút nghiên, làm đơn xung phong gia nhập quân đội, những mong góp sức vào công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Năm 1976, ông được điều lên biên giới Cao Bằng, cùng đơn vị vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, vừa phát triển kinh tế. Ngày 17/2/1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra thì ông đang đảm nhiệm cương vị Đại đội phó Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 567 và được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy, tấn công, phòng ngự trên đồi Khâu Chỉa, đồi Nghĩa Trang ở huyện Phục Hòa (cũ). Năm 1985, cuộc chiến ở mặt trận Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang trở nên nóng bỏng, ông lại được điều động sang và tiếp tục làm Đại đội phó. Những địa danh không thể lẫn vào đâu như “Ngã ba cửa tử”, “Lò vôi thế kỉ”, “Đồi thịt băm”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”… không chỉ là minh chứng sinh động của cuộc chiến biên giới phía Bắc mà còn hằn sâu trong kí ức CCB cho đến mãi sau này.
Trong khóe mắt cay cay, ông Khiêm nghẹn ngào kể lại: Đại đội ông được giao nhiệm vụ lấy lại điểm cao A6B thuộc khu vực Hang Dơi mà địch đang chiếm giữ. Trước đó, đã có đơn vị được giao nhiệm vụ này song do địch rất ngoan cố nên ta chưa giải phóng được. Sự ác liệt của cuộc chiến nơi “có cửa vào mà không có cửa ra” cũng khiến một số chiến sĩ hoang mang, nhụt ý chí chiến đấu. Song lãnh đạo Trung đoàn đã đặt trọn niềm tin khi giao nhiệm vụ cho Đại đội: Phải tấn công lấy lại bằng được cao điểm, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Thanh Thủy, Vị Xuyên. Ảnh IT |
Nhận nhiệm vụ, Ban Chỉ huy Đại đội họp bàn, tổ chức triển khai. Sau khi trinh sát tình hình, quyết định lập thành 3 mũi tấn công: Một do Đại đội trưởng, một do Đại đội phó và một do ông Khiêm chỉ huy. Cuộc họp Chi bộ mở rộng đã xác định cuộc chiến nhiều cam go, thử thách, song đã bàn thảo kĩ lưỡng và quyết định phương án tác chiến, với tinh thần “dù khó khăn đến đâu, dù phải hi sinh xương máu cùng phải giành thắng lợi”. Một bức quyết tâm thư thông qua thể hiện sự đồng lòng và ý chí quyết tâm cao độ. Những bài hát về Đảng, Bác Hồ kính yêu trở thành động lực tiếp sức, khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sĩ. Không khí trước giờ ra trận hào hứng và nhộn nhịp, người hì hục lau lại nòng súng, người mài dao cho sắc, người chuẩn bị dây trói tù binh… Rồi kiểm tra cơ số đạn dược, lương khô, nước uống, bông băng… Gặp đồng đội ở tuyến sau trao gửi người thân “lỡ chẳng may không trở về”.
Với trách nhiệm nặng nề, tâm trạng ông Khiêm không tránh khỏi hồi hộp, nhưng ông lấy lại bình tĩnh và động viên đồng đội tự tin, tập trung cao độ. Theo kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu, không thể dàn đều thành hàng ngang, không thể tấn công ào ào để hi sinh vô ích, mà phải tìm ra cách đánh riêng, bí mật, táo bạo, tạo sự bất ngờ cho đối phương. Lợi dụng địa hình địa vật, những bãi cỏ bằng phẳng là nơi kẻ địch gài mìn dày đặc, còn những vách núi đá nhô cao chính là nơi ẩn nấp, tránh đạn quý giá để từng bước “luồn sâu, đánh hiểm”. Cũng phải dựa vào thời điểm cụ thể để có phương pháp tấn công hợp lí, khi bắn tỉa, khi tấn công cấp tập làm cho địch không kịp trở tay.
Ngôi nhà khang trang của thương binh Tạ Bá Khiêm tại quê nhà Dị Nậu |
Sau 3 đêm hành quân, đơn vị mới áp sát được mục tiêu và 5 giờ sáng ngày 31/5/1985, toàn đơn vị đã đồng loạt nổ súng tấn công vào điểm cao A6B. Mũi tấn công do ông Khiêm chỉ huy gặp khó khăn vì phải vượt qua thung lũng cỏ tranh dày đặc mìn và hầm của địch. Nhận được khẩu lệnh, ông Khiêm lệnh cho công binh điểm hỏa mở cửa, tuy nhiên công binh không mở được cửa, ông lại lệnh cho chiến sĩ bắn B40 và B41 mở cửa rồi trèo lên các mỏm đá để xung phong. Một quả pháo địch bắn rơi ngay cạnh, phủ lên ông lớp đất đá dày…
Giằng co từng mỏm đá, bụi cây, rồi Đại đội ông cũng làm chủ trận địa, tiêu diệt 30 tên, bắt sống 4 tù binh, thu nhiều chiến lợi phẩm, địch buộc phải rút về bên kia biên giới. Tuy nhiên cũng không ít hi sinh, mất mát, ông Khiêm bị thương lần thứ ba do mảnh đạn pháo xuyên vào ngực, phổi và tay, chân.
Trong 6 năm chiến đấu phòng ngự ở mặt trận Vị Xuyên đã diễn ra nhiều trận đánh ác liệt, nhưng trận A6B đã đi vào lịch sử hào hùng của Quân đội ta như một trận phản kích, phòng ngự thắng lợi. Đối với đối phương, đây là trận thất bại cay đắng, ngoài tổn thất lớn, sau trận này đã xảy ra vụ binh biến chưa từng có, lính vác súng bắn chỉ huy vì bất tài, nướng quân vô ích… Và với thành tích xuất sắc trong trận đó, năm 1986, Đại đội 5 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT Nhân dân; ông Khiêm được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì và Huân chương Chiến công hạng Nhất.
(Còn nữa)