Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Còn những thách thức nào?
Kinh tế 02/11/2020 17:15
PV: Có thể nói tiêu dùng nhanh đang trở thành xu thế trong bối cảnh mới, nhất là đối với giới trẻ. Vậy theo ông, sự khác biệt trong nhận thức đã đặt ra cho việc triển khai kinh tế tuần hoàn ở nước ta hiện nay những khó khăn nào?
Ông Phạm Hoàng Hải: Tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi là chúng ta phải nâng cao nhận thức, để tất cả mọi người đều hiểu được rằng “Trái đất chỉ có hạn, nguồn tài nguyên không phải là vô hạn”. Nếu chúng ta cứ tiếp tục xu thế sản xuất và tiêu dùng nhanh như hiện nay thì điều tất yếu sẽ xảy ra chính là thiếu hụt nguồn tài nguyên, nguyên vật liệu đầu vào để cung cấp cho các dây chuyền sản xuất mới. Một thách thức thứ hai đang đặt ra chính là trình độ phát triển của khoa học công nghệ. Muốn kinh tế tuần hoàn được triển khai thì khoa học công nghệ phải đi tiên phong. Chúng ta cần có công nghệ môi trường 4.0 để có thể xử lý vấn đề trước, trong và sau quy trình sản xuất. Điều thứ ba tôi muốn nhấn mạnh chính là chúng ta cần xây dựng được bộ tri thức mới, để có thể chuyển đổi được quan niệm từ “nguồn tài nguyên” sang “vốn tài nguyên”. Đối với “nguồn tài nguyên”, chúng ta đang quan niệm có “nguồn đầu vào” và “chất thải ra”. Nhưng khi chuyển từ nguồn sang vốn thì sẽ có sự khác biệt, bởi “vốn tài nguyên” có tính chất quay vòng, tái sử dụng. Đây cũng là những điều mà tôi thấy cần đẩy mạnh truyền thông về kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới.
PV: Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong nội tại của các doanh nghiệp hiện nay?
Ông Phạm Hoàng Hải: Hiện tại, việc khởi động kinh tế tuần hoàn đối với các doanh nghiệp trong nước là đã có rồi. Tuy nhiên, bởi vì chúng ta chưa hiểu rõ đặc tính của kinh tế tuần hoàn nên nhiều khi chúng ta chưa có sự nhận biết rõ rệt về mô hình này. Nói về kinh tế tuần hoàn, không chỉ là câu chuyện về xử lý chất thải mà còn xoay quanh nhiều vấn đề khác. Ví dụ như việc sử dụng năng lượng sạch, mô hình VAC trong nông nghiệp hay mô hình kinh tế chia sẻ cũng là những biểu hiện của kinh tế tuần hoàn. Hoặc như một số mô hình kinh doanh mới bây giờ, thay vì sản xuất và bán sản phẩm thì họ cho thuê sản phẩm. Hiện nay, trên thế giới đã có một số công ty áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khá hiệu quả, điển hình như Tập đoàn IKEA. IKEA là một thương hiệu sản xuất đồ nội thất nổi tiếng thế giới, ngoài việc bán sản phẩm thì họ sẵn sàng thu mua lại những sản phẩm nội thất đã bán ra sau khi khách hàng không có nhu cầu sử dụng nữa. Sau đó họ sẽ sửa chữa, làm mới và tiếp tục bán những sản phẩm đó cho người khác. Đó là một sự khác biệt tạo nên năng lực cạnh tranh tốt cho IKEA trên thị trường. Một ví dụ khác có thể kể đến là thương hiệu đình đám Adidas. Cách đây không lâu, Adidas vừa ra mắt thị trường một loại giày được sản xuất chỉ từ một loại vật liệu. Chính vì giày được sản xuất từ một loại vật liệu nên sau khi sử dụng xong, họ có thể thu gom lại và tái chế một cách dễ dàng.
Hồ nuôi cá bằng nước thải sau xử lý của nhà máy Bia Heineken. Nguồn: Internet |
PV: Có thể nói, trong kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp không thể đi một mình được mà rất cần có hệ sinh thái. Vậy ông đánh giá đâu là vai trò trung tâm và đâu là vai trò kết nối trong hệ sinh thái đó?
Ông Phạm Hoàng Hải: Trong kinh tế tuần hoàn, chúng ta có thể hiểu một sản phẩm được hình thành bởi hai quy trình đó là quy trình sinh học và quy trình kỹ thuật. Đối với thành phẩm nằm tại quy trình sinh học thì chúng ta sẽ đưa nó quay lại quy trình sinh học, còn ở quy trình kỹ thuật thì chúng ta sẽ cho nó quay về quy trình kỹ thuật. Vì vậy, với từng sản phẩm khác nhau, bản thân doanh nghiệp cần phải mở rộng quan hệ đối tác để làm sao, nguồn thải của đơn vị này sẽ là nguồn đầu vào cho đơn vị khác. Tôi nghĩ rằng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cần đóng vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với chính phủ để có thể tạo ra một vòng tròn khép kín trong việc triển khai kinh tế tuần hoàn.
PV: Vậy chính sách của Nhà nước sẽ thúc đẩy vào đâu, thưa ông?
Ông Phạm Hoàng Hải: Nhà nước sẽ tạo ra hành lang pháp lý để chúng ta có cơ sở xây dựng các quan hệ hợp tác. Ví dụ như đối với vấn đề nước thải, dù đã có tiêu chuẩn rồi nhưng tôi vẫn kiến nghị đưa vào luật quy trình mới về tiêu chuẩn của nước thải để tái sử dụng. Hiện tại, nước thải được tái sử dụng là có nhưng chúng ta chưa có hành lang pháp lý cho việc này. Vì vậy, nếu như có bất kỳ tranh chấp nào xảy ra thì chúng ta chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề đó. Ví dụ như Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam. Hiện tại, Heineken đã tính toán để sử dụng nước thải sau sản xuất tiếp tục dùng để nuôi cá. Nếu sử dụng nước thải đó trong nông nghiệp vùng ngập mặn ở miền Tây, điều này là rất tốt tuy nhiên nếu không có tiêu chuẩn tái sử dụng nước thải đó thì người ta sẽ không dám sử dụng. Bởi nếu được mùa thì không sao, chứ nếu mất mùa thì chắc chắn là công ty sẽ phải chịu trách nhiệm.
PV: Vậy ông đánh giá hành lang pháp lý cần thiết nhất để triển khai kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hiện tại là gì?
Ông Phạm Hoàng Hải: Tôi nghĩ rằng Chính phủ cần ban hành các nghị định được áp dụng cụ thể đối với từng ngành nghề. Bởi kinh tế tuần hoàn không thể thực hiện theo một quy trình chung được mà nó đi theo từng ngành và tiểu ngành. Cần tạo ra một hành lang pháp lý phù hợp để làm sao doanh nghiệp trong mỗi ngành và tiểu ngành có thể tự tính toán đồng thời tìm được các vòng lọc khác nhau cho từng quy trình sản phẩm của họ.
Xin cảm ơn ông!