Thư viện “Hai Lúa” Tứ Hưng
Xã hội 16/10/2019 09:18
Thấy đơn giản vậy chớ thành lập được đã khó, duy trì hoạt động lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng ông “hai lúa” Huỳnh Tấn Hưng, 62 tuổi, ở ấp 8, xã Mỹ Lộc lại làm được điều này thật đáng khâm phục”.
Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo nhưng ông Hưng lại rất đam mê đọc sách, báo. Ông thường dạy các con và trẻ em hàng xóm “có tri thức là có tất cả” và phải vun bồi niềm đam mê đọc sách để văn hóa đọc không bị quên lãng theo dòng thời gian”. Chính từ suy nghĩ đó, 5/7 người con của ông đều tốt nghiệp đại học và có cuộc sống ổn định. Tất cả đều ủng hộ việc làm cao đẹp vì cộng đồng của ông như ủng hộ sách, tạp chí, báo... và giúp ông tiền để ông bổ sung sách cho thư viện có một không hai này.
Ông Huỳnh Tấn Hưng bên thư viện “Hai lúa” của mình |
Mỗi khi thu hoạch lúa và cây ăn trái, vợ chồng ông Hưng đều chắt chiu mọi khoản chi tiêu trong gia đình để có tiền mua thêm sách, báo phục vụ bạn đọc.
Kể về cái tên “Tứ Hưng” đặt cho thư viện nông thôn của mình, ông Hưng nói vui: “Nhà nước quy định phải có tên nên tui đặt vậy. Tui thứ tư, tên Hưng nên đặt là thư viện “Tứ Hưng”. Còn nói về kinh nghiệm quản lí, giới thiệu sách tui làm ngọt xớt đã 20 năm qua”.
Bà Nguyễn Thị Lời, người bạn đời của ông Hưng quả quyết cùng chúng tôi: Ông này mê sách báo còn hơn mê vợ con. Nghe đâu có sách, báo, tạp chí là “ổng” tìm tới để xin, mua cho bằng được. Thấy “ổng” quá nhiệt tình nên có nhiều nhà hảo tâm, các nhà sách, nhà xuất bản lớn tới động viên, tặng nhiều sách, kệ đựng sách.
Nhớ lại những năm trước đây khi đường giao thông nông thôn còn nhiều trắc trở, thêm vào đó mạng lưới viễn thông chưa phát triển như hiện nay nên thư viện “Hai lúa” này luôn “đắt khách”. Nhiều nhất là các em học sinh các trường Tiểu học Cái Ngang, THCS Cái Ngang, Trường THPT Phan Văn Hòa. Mỗi ngày có hàng chục em đến đây mượn sách về nhà; một số khác đọc tại chỗ trên hàng chục chiếc ghế, chiếc võng do ông tự bỏ tiền túi trang bị cho những độc giả “tí hon”. Hiện nay, thư viện “Tứ Hưng” đang sở hữu gần 9.000 đầu sách phục vụ cộng đồng, nhiều nhất là truyện tranh, sách thiếu nhi, giáo khoa, kĩ thuật nông nghiệp... Mỗi ngày có từ 40 đến 50 độc giả đến liên hệ với ông.
Em Võ Thị Quyên Thanh, học sinh Trường THCS Cái Ngang nhận xét: “Thư viện của ông Tư có rất nhiều sách hay và quý hiếm. Ngoài việc đọc sách, báo, tạp chí tại trường, tại thư viện huyện Tam Bình, chúng em thường xuyên đến đây tham khảo, tìm hiểu nhiều loại sách rất bổ ích. Ông Tư luôn động viên chúng em quan tâm đến văn hóa đọc, không quá đầu tư vào các trang mạng xã hội sẽ không tốt đến sức khỏe và nhận thức. Đã vậy, nếu có yêu cầu thì ông Tư sẽ biểu diễn những tiết mục văn nghệ đơn ca tài tử rất hấp dẫn”.
Có rất nhiều kỉ niệm đẹp đến với ông Huỳnh Tấn Hưng khi năm 2008, ông đăng kí tham gia thi mô hình “Tủ sách gia đình” do TP Hồ Chí Minh tổ chức; vượt qua hàng chục “đối thủ nặng kí”, thư viện tư nhân “Tứ Hưng” đoạt giải đặc biệt. Từ năm 2011 đến năm 2013, thư viện của ông được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Mới đây (tháng 5/2019) một lần nữa thư viện “Hai lúa” này là đơn vị duy nhất Đồng bằng sông Cửu Long được bình chọn danh hiệu xuất sắc và nhận Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì những đóng góp cho sự nghiệp văn hóa đọc và phục vụ cộng đồng.
Đâu chỉ có vậy, hiện nay ông Huỳnh Tấn Hưng còn hiến 70 m2 đất có cả ngôi nhà trên đó để làm thư viện. 70 m2 đất khác được ông hiến xây dựng trụ sở ấp 8 (xã Mỹ Lộc). Hằng ngày, ông còn kiêm nhiệm vai trò tiếp âm đài truyền thanh 4 cấp phát trên hệ thống truyền thanh của ấp để phục vụ Nhân dân. Công việc bộn bề là vậy nhưng khi hỏi đến các khoản hỗ trợ, bồi dưỡng thì chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu đi kèm với nụ cười đôn hậu.
Ông Hưng nói: “Đất nước còn khó khăn, tính toán đòi hỏi mà chi. Tui đâu có nhận bất kì khoản tiền bồi dưỡng nào kể cả tiền điện phát thanh nhưng không vì vậy mà lãng quên nhiệm vụ. Làm vậy là mình làm theo lời Bác Hồ dạy. Người ta vui là mình vui theo”.