Thanh Hóa: Nhiều vướng mắc trong xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập
Tin tức 10/07/2024 07:36
Chiều 9/7, HĐND tỉnh Thanh Hóa tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trong khuôn khổ kỳ họp thứ 20, khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND tỉnh tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Văn Tứ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa cho biết: Giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn tỉnh tiến hành sáp nhập 143 đơn vị hành chính cấp xã; sau sắp xếp, làm giảm 303 đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Sau sáp nhập, sắp xếp, có 537 công sở, nhà đất công dôi dư, trong đó chủ yếu là trụ sở UBND cấp xã, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa thôn… Đến nay, 455 cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án xử lý; 82 cơ sở nhà đất dôi dư chưa có phương án sắp xếp.
Đối với 110 nhà văn hóa thôn, phố dôi dư, việc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với các tài sản này rất khó do được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau. “Tuy khó nhưng vẫn làm”, ông Tứ khẳng định.
Theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa, sau khi xác lập được quyền sở hữu toàn dân, việc bán hoặc đấu giá đất và tài sản trên đất sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đối với các loại tài sản từ nguồn đóng góp của nhân dân tại các thôn, phố... HĐND huyện, xã cần quan tâm đầu tư trở lại sau khi đã bán, đấu giá tài sản. Tuy nhiên, việc đầu tư lại phải theo quy định của Luật Đầu tư công.
Toàn cảnh phiên chất vấn Giám đốc Sở Tài chính Thanh Hóa. |
Làm rõ hơn về vấn đề tài sản công dôi dư, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết để xử lý tài sản công dôi dư, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo riêng, đến nay đã ban hành 14 văn bản chỉ đạo, đôn đốc đến các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện.
Tuy nhiên, ông Thi thừa nhận quá trình xử lý tài sản công dôi dư còn chậm. Trong đó, có tình trạng cán bộ thực hiện nhiệm vụ đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm. Ngoài ra, Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP còn nhiều bất cập trong quy hoạch sử dụng đất, tài sản trên đất, quyền xác lập sở hữu tài sản,... gây khó khăn trong việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư. Ông Thi kỳ vọng, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành nghị định, sớm tháo gỡ phần nào vướng mắc trong việc xử lý tài sản công dôi dư.
Tại phiên chất vấn, ông Thi cũng đề nghị Sở Tài chính bố trí cán bộ có chuyên môn tham mưu giúp Ban chỉ đạo của tỉnh thực hiện việc sắp xếp, xử lý tài sản công, bảo đảm thực hiện “Đúng, trúng” theo quy định của pháp luật”.
Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa. |
Sau phần chất vấn, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, chủ trì kỳ họp ghi nhận những nỗ lực của UBND tỉnh, ngành Tài chính và các địa phương trong việc sắp xếp, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập.
Theo ông Hưng, Thanh Hóa là tỉnh có địa bàn rộng nên sau sáp nhập số lượng tài sản dôi dư nhiều, nhất là các nhà văn hóa thôn, trạm y tế, trụ sở cơ quan hành chính và một số trường THPT. Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn trong việc thực hiện công tác quản lý, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với kỳ vọng của các cấp ủy, chính quyền và cử tri.
Vì vậy, ông Hưng đề nghị UBND tỉnh cần báo cáo đề xuất với các cơ quan Trung ương kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quán trình xử lý tài sản công. Kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 167/2017/NĐ-CP và Nghị định 67/2021/NĐ-CP phù hợp với quy định của Luật Đất đai, Luật Quản lý sử dụng tài sản công. Đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn cụ thể đối với việc xử lý tài sản công dôi dư.
Ảnh minh họa. |
Khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về quy định, quy trình đề xuất, thực hiện việc sắp xếp, xử lý các tài sản công trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các cơ sở nhà, đất dôi dư sau sáp nhập; quy định về đấu giá đối với các cơ sở nhà, đất là nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố mà đất làm nhà văn hóa và tiền xây dựng từ nguồn ngân sách kết hợp nguồn đóng góp của Nhân dân, hoặc hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa; quy định việc sử dụng tiền thu được từ đấu giá, đề xuất cơ chế hỗ trợ lại khu dân cư sau khi thực hiện tổ chức đấu giá tài sản.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại, xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập trên địa bàn tỉnh; phê duyệt phương án xử lý cụ thể với từng tài sản; chỉ đạo làm tốt một số trường hợp “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất” để làm điểm, rút kinh nghiệm, nhân rộng ra các huyện, thị, thành phố.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận nội dung chất vấn Giám đốc Sở Tài chính. |
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định, quy trình, trình tự thực hiện xử lý tài sản công sau sáp nhập. Hướng dẫn kịp thời, đầy đủ các quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công cho các huyện, thị xã, thành phố thực hiện; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khi tổ chức thực hiện, báo cáo cấp trên nếu vượt thẩm quyền.
Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công sau sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến về việc điều chỉnh, bổ sung phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất do các huyện, thị xã, thành phố quản lý. Trong thời gian chưa xử lý các cơ sở nhà, đất dôi dư phải bố trí nhân lực trông coi, bảo vệ, bảo quản tài sản, tránh để lấn chiếm, thất thoát, xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí tài sản của Nhà nước,...