Tây Nguyên mùa Xuân trắng
Văn hóa - Thể thao 28/01/2021 12:10
Mùa Xuân trắng
Cao nguyên mùa Xuân này đầy nắng và gió. Những cánh rừng và bạt ngàn cao su đâm chồi nẩy lộc, nhiều loài hoa rừng đua nhau khoe sắc. Tây Nguyên có hai mùa mưa - khô rõ rệt và mùa Xuân là mùa hoa cà phê trổ bông khắp nương rẫy. Hoa cà phê trắng muốt, nhuộm sắc và nhuộm hương lên khắp Tây Nguyên. Vào mùa này, nếu có dịp rong ruổi trên những nẻo đường cao nguyên, bạn sẽ thấy mình như đang lạc vào hoa tuyết trắng cùng mùi hương ngào ngạt khắp nơi. Đó là bức tranh đẹp nhất trong những bức tranh của vùng núi rừng đại ngàn, với điểm xuyết đan xen một làng M'nông, Ê Đê, J'rai hay Banah trên chập chờn mây nắng cùng với nét mộc mạc hiền hoà, cởi mở và da diết của những con người qua nhiều thế hệ vẫn gắn bó với thiên nhiên nơi này.
Không phải ai cũng có may mắn đến Tây Nguyên đúng vào mùa hoa nở. Vì vụ hoa cà phê thường nở 2 -3 đợt đến tận cuối mùa Xuân và mỗi vụ hoa nở nhanh rồi tàn cũng nhanh như khi bừng nở, chỉ vài ngày là những thảm hoa chuyển thành những nụ quả xinh xinh. Và chắc có lẽ chỉ có ít người may mắn khi nhìn thấy mùa Xuân về với đất trời Tây Nguyên.
Mùa Xuân cao nguyên là mùa Xuân trắng, nơi hoa cà phê nở bạt ngàn trên khắp các sườn đồi đất đỏ |
Ở Tây Nguyên, không có loại cây nào được trồng nhiều như cây cà phê vì thế cũng chẳng có loài hoa nào nhiều như loài hoa ấy. Nơi đây, hoa cà phê không chỉ một bông, một cành, một cây mà là cả một vườn hoa, một đồi hoa, là bát ngát, điệp trùng hoa. Mùa cà phê đơm bông, hương hoa tỏa khắp núi đồi, ùa vào những chuyến xe khách đường dài, len lỏi vào từng căn nhà, đi cả vào giấc ngủ. Mùi hoa cà phê là sự pha trộn giữa mùi thơm của hoa và vị ngọt của trái chín khiến người ta không chỉ muốn ngửi mà còn muốn nếm, muốn uống trọn mùi hương ấy.
Từ chân đèo Bảo Lộc đến cao nguyên Langbiang, từ Biển Hồ đến đỉnh Chư Yang Sin hùng vĩ đâu đâu cũng có thể thấy được loài hoa ấy. Mùa này, hoa cà phê nở trắng trời cao nguyên báo hiệu một niên vụ bội thu.Chẳng biết có quá hay không, khi mọi người luôn gọi mùa Xuân ở cao nguyên là “mùa Xuân trắng”, bởi bạt ngàn màu trắng của hoa cà phê. Những thị trấn, thị tứ miền cao nguyên này đã thay da đổi thịt qua thời gian nhờ vào cà phê. Dù có lúc cây cà phê xuống giá rất thấp, nhưng người nông dân vẫn không bỏ loài cây quý giá này.
Mùa Xuân, hoa cà phê và người Tây Nguyên dường như hòa quyện làm một. Mùa mà người dân thâu đêm suốt sáng tưới cà phê, là ngày đêm những tiếng máy bơm nước ầm ì chạy vang khắp cả vùng trời. Trong hương hoa mùa Xuân, những người nông dân cặm cụi với rẫy nương và mơ ước giản dị của mình. Ai cũng mong sẽ có một mùa hoa dồi dào, rực rỡ, lúc ấy mùa Xuân với cái Tết mới thật trọn vẹn, tươi vui.
Thương nhớ bazan
Với nhiều người, có lẽ miền cao nguyên bazan này lúc nào cũng ẩn chứa những điều kì lạ. Chẳng biết ngoài bazan thổ nhưỡng ra, dưới mảnh đất này còn tố chất dinh dưỡng nào nữa được tìm thấy mà mỏi mắt hai bên đường mơn mởn non tơ của sắn, là thăm thẳm sắc màu cao su, cà phê và tiêu. Xa kia, những cánh rừng trồng nhiều lớp tuổi cứ kế tục hứa hẹn sự sung túc hôm nay và giàu có cho một tương lai đã cận kề. Chỉ còn nghe vang vọng bên tai, lẫn trong tiếng gió vút là hình hài tương lai trỗi dậy mạnh mẽ của vùng đất nhiều huyền thoại và lắm đau thương.
Có lẽ bất kì ai đến cao nguyên mùa Xuân cũng sẽ có được những ấn tượng và xúc cảm vô tình bắt gặp dù chỉ một lần. Gió sớm trong lành mang hương thơm tràn về khắp phố phường cao nguyên, cho bầy ong rủ nhau đi hút mật, cho bầy voi gọi nhau “xuống sông hút nước”… nắng lạnh ban ngày và se sắt về đêm. Gió cứ cần mẫn ào ào thổi xuôi một hướng suốt đêm ngày không ngưng nghỉ. Nắng gió nơi đây thật riêng biệt, đặc trưng, khác lạ. Những cơn gió trở mình mà không vật vã, không bùng lên thành những trận cuồng phong, không làm tơi tả cỏ cây như những cơn gió biển hoang tàn. Gió nơi đây cứ thổi dài mơn man trên đỉnh núi, qua triền đồi, qua mép sông, qua bầu thác. Gió chỉ đủ lan tỏa lên mặt đất tất cả những chất chứa ngàn năm trong lồng ngực đại ngàn sâu thẳm.
Mùa Xuân Tây Nguyên, con người như tách hẳn khỏi cuộc sống tất bật hiện đại. Đó là mùa của thiên nhiên, tình người và lễ hội. Dường như chính thiên nhiên định ra cái mùa tuyệt vời ấy và con người theo đó mà để tình cảm mình nảy nở, công việc và lễ hội cứ thế diễn ra. Vào thời điểm ấy, tất cả các tháng dương lịch và âm lịch đều không nằm trong “khái niệm” của đồng bào nơi đây. Đây là tháng nghỉ ngơi của đồng bào, là thời điểm mà tâm hồn con người rộng mở, thoải mái nhất. Mọi người có thể vui chơi, uống rượu và ca hát quên tháng ngày!
Ai đã một lần đến với vùng đất đỏ Tây Nguyên vào mùa Xuân, nhẹ bước trên thảm lá đỏ trong rừng Sốp khộp sẽ cảm nhận được từng hơi thở của miền cao nguyên lộng gió trong thời khắc biến chuyển của đất trời và hơn hết là người dân nơi đây mộc mạc, giản dị, chân thành tạo nên nét văn hóa riêng cho mảnh đất này…