Tản mạn về “loa phường”
Xã hội 29/07/2022 09:44
“Loa phường” - Một thời đáng nhớ
Những năm chống Mỹ, cùng với tiếng kẻng thì tiếng loa: "Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 30km. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu" đã góp phần cứu bao người khỏi bom đạn và trở thành kí ức không thể nào quên của người dân Hà Nội thời ấy. Lúc báo yên, tiếng loa lại là món ăn tinh thần vô cùng quý giá của người dân.
Còn nhớ lúc đó nhiều người, trong đó có tôi, hằng ngày theo dõi tình hình chiến sự ở miền Nam, chiến sự ở miền Bắc dưới những chiếc loa treo trên ngọn cây. Ngoài tình hình chiến sự, mọi người rất thích các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, như “Sân khấu truyền thanh”, “Kể chuyện cảnh giác”, “Tiếng thơ”,... Mà ngày đó loa phường tiếp sóng một ngày khoảng 10 giờ, từ sáng “vươn thở” tới “tiếng thơ” đêm khuya. Ấy vậy mà chẳng thấy ai kêu ca phàn nàn, hôm nào không có tiếng loa thì cả làng xôn xao như có sự kiện gì lớn lắm. Có thể nói những chiếc “loa phường” đã gắn bó thân thiết và trở thành người bạn với mọi người, là công cụ thông tin, tuyên truyền rất hữu hiệu.
Những năm đất nước mới thống nhất, “loa phường” vẫn phát huy rất tốt tác dụng, được mở rộng hơn trước nhiều. “Loa phường” vừa là phương tiện thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới dân, vừa là công cụ điều hành của chính quyền các địa phương. Dù lúc đó nhiều gia đình có Radio hay tivi, nhưng loa truyền thanh vẫn là nơi cung cấp chính các thông tin đến với người dân. Những năm 80 của thế kỉ trước, Hà Nội đã lắp loa truyền thanh đến tận hàng vạn gia đình ở khắp nội, ngoại thành. Xã nào, thôn nào được lắp thêm loa là bà con mừng lắm.
“Loa phường” đã trở thành đồng hồ báo thức cho các gia đình dậy đúng giờ để nấu ăn, đi làm, đi học. Có khi vì một lí do nào đó, loa phát muộn, thế là cả xã dậy muộn... Nhiều người cảm thấy trống vắng, hụt hẫng khi vắng tiếng loa.
“Loa phường” - còn duyên?
Những năm đổi mới, cùng với sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, nhất là quá trình đô thị hóa, “loa phường” dần kém duyên. Người dân có nhiều sự lựa chọn để nắm bắt thông tin, không chỉ của thành phố, hay trong nước mà còn cả thế giới một cách nhanh chóng. “Loa phường” chủ yếu chỉ còn phát tin của địa phương. Những nhược điểm của loa phường bắt đầu bị soi, nào là tậm tịt, lúc có lúc không, rè, ù réo... nhưng kêu nhất là nội dung nghèo nàn, tiếng loa quá to, gây “ô nhiễm” tiếng ồn (!?).
Người dân khu vực đô thị thường hay phàn nàn về loa truyền thanh, còn khu vực nông thôn rất ít phàn nàn. Lí giải về điều này, ngoài nguyên nhân dân trí cao hơn, có điều kiện nắm bắt thông tin qua các phương tiện khác thì nguyên nhân chính là do nhà cao tầng san sát đã cản trở tiếng loa đi xa, loa công cộng là loa nén, lại có công suất lớn (thường 25W) nên va đập âm thanh rất mạnh, nhà gần loa thì khó chịu, nhà xa loa nghe không rõ. Nếu trước đây mỗi làng chỉ cần 4-5 cái loa là cả làng nghe được hết, nhưng khi đô thị hóa thì phải vài chục cái vẫn chưa đủ. Loa phát trong hoàn cảnh chật hẹp về không gian như vậy đúng là một sự tra tấn người dân. Nhiều người phản ứng với “loa phường”. Tình trạng “loa phường” bị người dân cắt đứt dây loa, dùng sào chọc loa ngược lên trời xảy ra ở nhiều nơi.
Một vấn đề khiến người dân không còn mặn mà với tiếng “loa phường” là các chương trình phát thanh của đài phường nghèo nàn về nội dung và đơn điệu trong cách thể hiện.
Cũng không thể trách được những người làm công tác ở các đài phường, xã vì họ không hề được đào tạo nghiệp vụ, chế độ chính sách bất cập. Trưởng đài thì chỉ có hệ số 1,46 nhân với mức lương tối thiểu. Nhân viên bằng 70% của Trưởng đài (tương ứng với 1,7 triệu và 1,2 triệu đồng). Các chế độ khác như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không có… Chế độ đãi ngộ như vậy thì làm sao thu hút được những người qua đào tạo, có trình độ nghiệp vụ nhất định để khiến họ gắn bó với công việc
Nhà đài muốn thu hút các cộng tác viên để cho chương trình phát thanh phong phú và chất lượng thì cũng không thể vì không có chế độ nhuận bút, do vậy chương trình rất nghèo nàn, đọc công văn, báo cáo, chỉ thị, kế hoạch, thông báo là chính để lấp thời lượng.
Về nghiệp vụ, mặc dù trước đây hằng năm các đài huyện, Phòng Văn hóa quận, huyện cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đài xã, phường nhưng với thời gian hạn chế chỉ có 2-3 ngày cộng với vốn kiến thức cơ bản của nhân viên nhà đài không có, với lại nhiều địa phương thay nhân viên “nhà đài” như thay áo, nên việc bồi dưỡng nghiệp vụ sau đó lại cũng bằng không.
Có thể nói, trong con mắt của người dân, nhất là dân đô thị, “loa phường” ngày càng kém duyên. Trong một cuộc thăm dò dư luận vào năm 2017, do Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội tổ chức, có đến hơn 80% người dân được hỏi ý kiến đều muốn bỏ “loa phường”. Chủ tịch UBND TP Hà Nội lúc đó cho rằng, loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, do vậy cần đánh giá, rà soát, nếu thấy không hiệu quả thì mạnh dạn đề xuất bỏ đi (!)
Loa phường sẽ phải thay đổi gì để tồn tại?
Được biết, sau khoảng 5 năm “xóa bỏ”, UBND TP Hà Nội lại vừa có chủ trương phủ sóng loa phường đến các tổ dân phố, xóm ngõ với ứng dụng Công nghệ thông tin, viễn thông. Tuy nhiên, vấn đề ở đây không chỉ là công nghệ, kĩ thuật mà là cơ chế chính sách và người điều hành, sử dụng nó như thế nào. Trước hết là về cơ chế, chính sách, Đài phường phải được thừa nhận về mặt pháp lí, có quyết định thành lập của cấp có thẩm quyền, trong đó có quy định chức năng nhiệm vụ, có tổ chức bộ máy, có kinh phí và có quy chế hoạt động; quy định rõ thời gian, thời lượng phát, nội dung phát thanh, cơ chế kiểm duyệt trước khi phát... Đội ngũ làm công tác ở đài phường phải được đào tạo bài bản, chính quy, tối thiểu phải có bằng cao đẳng phát thanh truyền hình, cao hơn là cử nhân báo chí chuyên ngành phát thanh, được coi như một viên chức Nhà nước. Trung tâm Văn hóa-Thông tin quận, huyện, Đài Phát thanh -Truyền hình thành phố phải có trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho các đài phường, xã.
Nếu vẫn trong điều kiện cơ chế chính sách và con người làm truyền thanh như hiện nay cộng với chất lượng nội dung thông tin mà “loa phường” chuyển tải không thay đổi thì người dân sẽ khó chấp nhận, sự tồn tại hay không tồn tại của “loa phường” một lần nữa biết đâu lại “dậy sóng”.