Tại sao, cát tặc… (?!)
Trong mắt người già 04/05/2020 09:17
Sao lại trái khoáy như vậy? Hoạt động phạm pháp của bọn cát tặc luôn phơi bày ra trước bàn dân thiên hạ. Nào xe cộ chạy ầm ầm; nào máy móc nổ đinh tai, nhức óc; bãi chứa cát chềnh ềnh cả một khu vực. Ăn cắp, trộm cướp như thế thì khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”. Không chỉ hoạt động ban đêm, cát tặc còn nghênh ngang hút xúc giữa thanh thiên bạch nhật. Nếu các cơ quan chức năng muốn “bắt tận tay, day tận trán” chẳng có gì khó, điều quan trọng là có muốn bắt hay không(!?).
Trong khi mỏ cát nào, khúc sông nào và doanh nghiệp, đơn vị nào được phép khai thác, chính quyền và các cơ quan chức năng nắm rất rõ như ở trong lòng bàn tay. Vậy tại sao cát tặc hoành hành, ầm ào cả khu vực, làm đất và hoa màu, thậm chí cả nhà cửa trôi xuống sông; xe chở cát cày nát đường liên thôn, liên xã, bụi tung mù mịt vẫn hiển hiện giữa đời?!.
Giải trình, báo cáo với cấp trên, hay trả lời báo chí, không ít người có trách nhiệm đưa ra ngàn lí do để bao biện, do cát tặc thường xuyên hoạt động vào ban đêm, ngày nghỉ; do chúng hoạt động ở khu giáp ranh ở hai địa phương, bên này bắt, bên kia buông; do lực lượng mỏng, phương tiện để truy bắt còn hạn chế; …
Cả một lô một lốc lí do, nhưng cái lí quan trọng nhất, nhiều người cố tình lảng tránh và không dám thừa nhận, chính họ chưa hết làm hết chức năng và nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lí, bỏ mặc cho cát tặc tàn thu lợi bất chính, tàn phá tài nguyên quốc gia. Đó là chưa nói đến tham nhũng, tiêu cực, đồng lõa với cát tặc
Nếu lấy lí do giáp ranh giữa hai địa phương, chẳng thuyết phục được ai. Bởi giữa hai xã còn có huyện; giữa hai huyện là tỉnh; giữa hai tỉnh đã có các bộ, ngành, Chính phủ. Lẽ nào xã không phối hợp được với xã, huyện không phối hợp được với huyện và tỉnh này không phối hợp được tỉnh nọ trong công cuộc dẹp nạn cát tặc? Trong khi hệ thống chính trị của ta là một khối thống nhất. Chỉ có “phép vua thua lệ làng”, “trên bảo dưới không nghe”, đồng lõa, dung túng cho cát tặc thì mới bao biện kiểu trên (!).
Lúc ngoài Bắc, khi ở miền Trung, lúc trong Nam, cảnh người dân méo mặt kêu than chuyện mất đất, mất nhà, mất hoa màu,… do cát tặc gây ra vẫn là chuyện thường ngày. Phải chi những người có trách nhiệm chịu khó nhúc nhích, ra tay ngăn chặn thì đâu nên nỗi. Nhưng vấn nạn “ăn xổi”, vô cảm của một bộ phận nếu không được ngăn chặn kịp thời, không chỉ cát mà nhiều nguồn tài nguyên quý của quốc gia sẽ bị khai thác cạn kiệt và môi trường bị xâm hại ngày càng nghiêm trọng.
Không biết hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ngành liên quan có thống kê số đất bị mất cũng như tổng số thiệt hại do cát tặc gây ra? Trong khi một bộ phận hưởng lợi bất hợp pháp từ nguồn tài nguyên của quốc gia, thì hàng vạn con người đang phải gánh chịu mọi hậu quả. Kinh hoàng hơn với biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp như hiện nay, hậu họa của cát tặc gây ra thật khôn lường. Sự bất công, ngang trái ấy bao giờ mới chấm dứt?