Sức khỏe não bộ
Sức khỏe 14/11/2019 08:24
Kì 2: Cấu tạo và chức năng của bộ não
Đại não là phình to nhất. Bề mặt của đại não gồm rất nhiều các “khúc cuộn, nếp nhăn” đó chính là cách rất tuyệt vời để cho não co nhỏ kích thước của mình vừa trong hộp sọ nhưng vẫn giữ được diện tích bề mặt tiếp xúc lớn để chứa đựng được nhiều tế bào nơron thần kinh. Đây cũng là điểm khác biệt lớn giữa não của người trưởng thành và của động vật. Đó cũng là điều lí giải vì sao con người thông minh hơn.
Não điều khiển theo nguyên tắc điều phối chéo, nên bán cầu não trái sẽ điều khiển phần cơ thể bên phải và ngược lại, bán cầu não phải lại điều khiển phần cơ thể bên trái. Tác động vào vùng vận động ở phía bên phải của não sẽ tạo ra những cử động ở nửa bên trái của cơ thể. Kích thích vỏ não vận động nguyên phát bên trái sẽ làm cho phía bên phải của cơ thể cử động. Các thông tin vận động và cảm giác của não đi qua phía đối bên để làm cho các chi phía đối bên cử động hoặc có cảm giác. Phía bên phải của não bộ điều khiển phía bên trái của cơ thể và ngược lại. Vì vậy, nếu có một khối u hoặc khối máu tụ hoặc bị tổn thương ở bán cầu não bên phải tại vùng kiểm soát hoạt động của cánh tay, thì cánh tay bên trái sẽ bị yếu hoặc liệt.
- Thân não: Là phần kéo dài xuống thấp của bộ não, nằm ở phía trước của tiểu não và liên tục với tủy sống. Bao gồm ba cấu trúc: Trung não, cầu não và hành não hoạt động như một trạm chuyển tiếp, truyền thông tin giữa các bộ phận trong cơ thể và vỏ não. Nhiều chức năng đơn giản hay nguyên thủy thiết yếu cho sự sống nằm tại đây.
- Tiểu não: Nằm phía sau của não bộ, bên dưới thùy chẩm, ngăn cách với đại não bởi lều tiểu não. Tiểu não nằm ở vùng sau gáy.
- Các dây thần kinh sọ: Gồm có 12 đôi xuất phát từ não, có nhiều chức năng quan trọng, chịu trách nhiệm về cảm giác mùi vị, thị giác, điều khiển cử động mắt, cơ mặt, cơ cổ, cơ lưỡi, khả năng nghe, khả năng thăng bằng...
- Vùng hạ đồi: Là một cấu trúc nhỏ chứa các liên kết thần kinh gửi tín hiệu đến tuyến yên. Tuyến yên phát triển từ phần mở rộng của vùng hạ đồi xuống dưới và từ vòm miệng mở rộng lên.
Chức năng của Bộ não
Vai trò của não bộ: Toàn bộ hoạt động của cơ thể do hệ thần kinh chi phối, điều khiển. Hệ thần kinh được phân loại thành hai. Hệ thống thần kinh trung ương (CNS) bao gồm não và tủy sống. Hệ thống thần kinh ngoại biên (PNS) bao gồm các dây thần kinh cột sống phân nhánh từ tủy sống và dây thần kinh sọ phân nhánh từ não.
Bộ não là một phần chính của hệ thần kinh trung ương, nhận thông tin thông qua năm giác quan: Thị giác, khứu giác, xúc giác, vị giác và thính giác. Tập hợp các thông điệp theo cách có ý nghĩa và có thể lưu trữ thông tin đó trong bộ nhớ. Bộ não giữ nhiều chức năng vô cùng quan trọng. Não bộ điều khiển chức năng của các cơ quan trong cơ thể, điều khiển lời nói, suy nghĩ, hành động, giúp con người phản ứng lại với các tình huống trong cuộc sống, điều hòa lại cơ thể khi stress, căng thẳng,…
Trung não: Là trung tâm quan trọng cho các cử động của mắt trong khi cầu não chịu trách nhiệm cho việc phối hợp cử động của mắt, mặt, cảm giác và biểu cảm khuôn mặt, nghe và thăng bằng.
Hành tủy: Chịu trách nhiệm kiểm soát nhịp thở, huyết áp, nhịp tim và cử động nuốt. Tín hiệu từ vỏ não đến tủy gai và các dây thần kinh gai sống được truyền thông qua cầu não và thân não. Phá hủy các vùng này của não bộ sẽ dẫn đến “chết não”. Nếu không có những chức năng chủ chốt này, con người không thể tồn tại được.
Hệ lưới: Nằm ở trung não, cầu não, hành tủy và một phần của đồi thị kiểm soát mức độ thức tỉnh, mức độ nhận thức về môi trường xung quanh và liên quan đến giấc ngủ.
Các dây thần kinh sọ: Có 12 đôi dây thần kinh sọ, trong đó 2 đôi dây xuất phát từ đại não (dây số 1 và số 2), 10 dây còn lại xuất phát từ thân não. Những dây thần kinh sọ này chịu trách nhiệm cho các hoạt động rất chuyên biệt và được đặt tên, đánh số như sau:
Dây thần kinh số 1 - Dây thần kinh khướu giác: Mùi; Dây thần kinh số 2 - Dây thần kinh thị giác: Thị trường và thị lực; Dây thần kinh số 3 - Dây thần kinh vận nhãn: Cử động mắt, mở mí mắt; Dây thần kinh số 4 - Dây thần kinh ròng rọc: Cử động mắt; Dây thần kinh số 5 - Dây thần kinh sinh ba: Cảm giác ở mặt; Dây thần kinh số 6 - Dây thần kinh vận nhãn ngoài: Cử động mắt; Dây thần kinh số 7 - Dây thần kinh mặt: Khép mi mắt, biểu hiện trên khuôn mặt, cảm giác về mùi vị; Dây thần kinh số 8 - Dây thần kinh tiền đình ốc tai: Nghe, thăng bằng; Dây thần kinh số 9 - Dây thần kinh thiệt hầu: Cảm giác về mùi vị, nuốt; Dây thần kinh số 10 - Dây thần kinh lang thang: Nuốt, cảm giác về mùi vị; Dây thần kinh số 11 - Dây thần kinh phụ: Điều khiển các cơ cổ và vai; Dây thần kinh số 12 - Dây thần kinh hạ thiệt: Cử động lưỡi. (Còn tiếp)
Chuyên mục được sự đồng hành của Công ty CP truyền thông chăm sóc sức khỏe Sao Đại Việt - Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền. Địa chỉ: Số 18 Nguyễn Đổng Chi, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội. Điện thoại: 0243.207.26.26 - Di động: 084.24.89.666 www.facebook.com/toasangtroiyeuthuong Email: saodaiviet.vn@gmail.com Youtube: Sao Đại Việt Mọi ý kiến về bài viết, xin quý vị vui lòng liên lạc với địa chỉ trên. |