Sông Sài Gòn: “Mặt tiền” của TP Hồ Chí Minh
Đời sống 03/09/2024 10:38
Khi trở thành công dân TP Hồ Chí Minh sau ngày 30/4/1975, tôi mê đắm con sông Sài Gòn, nên cố công tìm hiểu về nó. Sông Sài Gòn dài 251km, bắt đầu từ Bình Phước, chảy qua Tây Ninh, Bình Dương, chảy vào địa bàn TP Hồ Chí Minh, qua khu vực trung tâm thành phố rồi hợp lưu với sông Đồng Nai tại Mũi Đèn Đỏ, thành sông Nhà Bè. Đoạn sông chảy qua TP Hồ Chí Minh dài khoảng 80km được ví như dải lụa uốn lượn, tạo ra hai bán đảo tuyệt đẹp là Thanh Đa (6,35km²) và Thủ Thiêm (7,31km²). Tuy nhiên, quá trình phát triển hành lang bờ sông không đồng bộ, làm hạn chế tiềm năng khai thác, hay đúng hơn là chưa khai thác được “thế mạnh” của dòng sông này.
TP Hồ Chí Minh sắp có đường ven sông Sài Gòn nối bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh) với đường Tôn Đức Thắng (quận 1). |
Sài Gòn hơn 300 năm trước không phải là thành phố “bên sông” mà là dạng đô thị nằm giữa lòng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt. Liên tục từ thế kỉ XVII đến thế kỉ XX, Sài Gòn từ một địa danh không tên tuổi trở thành một đô thị sông nước, một cảng thị là đầu mối giao thông thuỷ xuống miền Tây, lên miền Đông, dẫn đầu về giao thương của cả nước.
Sài Gòn “lớn lên” với chính bản sắc sông nước, là văn hóa cội nguồn của TP Hồ Chí Minh ngày nay, mà trong đó ngoài sông Sài Gòn có bề mặt thuỷ giới 200m đến 250m là kênh Bến Nghé - Tàu Hũ (khoảng 22km), kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gần 8km), kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (31km), kênh Xuyên Tâm (6,2km), kênh Tân Hóa - Lò Gốm (7,24km) vẫn còn nguyên vẹn, đã và đang được cải tạo, chỉnh trang, trả lại nguyên trạng với dòng chảy giảm dần ô nhiễm, trả lại cảnh quan lịch sử của một thành phố ngày càng bị bê tông hoá.
Dòng sông và kênh rạch hình thành bởi tự nhiên, còn đô thị với cơ sở hạ tầng phức tạp do con người xây dựng. Sông rạch, hay nói rộng hơn là không gian sông rạch là biểu tượng bộ mặt của đô thị với vai trò là không gian công cộng rộng lớn, liên quan mật thiết đến sự phát triển bền vững của thành phố, nên quy hoạch phát triển cần bảo đảm chức năng đa dạng và bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
2. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP Hồ Chí Minh có khoảng 17,4 triệu người vào năm 2040, tăng lên 20 triệu người vào năm 2060 và mục tiêu sẽ là trung tâm kinh tế - tài chính - dịch vụ của châu Á, do đó sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, được tổ chức thành 5 vùng: Vùng trung tâm là đô thị hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức. Vùng đô thị phía Đông là đô thị sáng tạo, giáo dục - đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, trung tâm tài chính. Vùng đô thị phía Bắc là đô thị dịch vụ, công nghiệp sinh thái. Vùng đô thị phía Tây là đô thị công nghiệp, dịch vụ, thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh - hóa dược. Vùng đô thị phía Nam là đô thị công nghệ cao, trung tâm kinh tế biển.
Ngoài kết nối các trung tâm đô thị và khu vực bằng những tuyến giao thông hiện đại, sông Sài Gòn được xác định là trung tâm của quy hoạch này, lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền phát triển dải đô thị hai bên sông. Tuyến đường ven sông cũng mở ra hướng mới để phát triển thương mại, dịch vụ, tạo điểm nhấn về cảnh quan sông nước, phát triển du lịch, phát triển kinh tế xanh, tạo lập những cụm dân cư xen lẫn không gian xanh. Đơn vị tư vấn đồ án điều chỉnh quy hoạch TP Hồ Chí Minh đề xuất chia sông Sài Gòn thành ba khu vực theo chiều dài để phát triển 17 công viên ven bờ, cũng là không gian trên bến dưới thuyền, tập trung hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội đường phố, quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ gắn liền với không gian và đời sống sông nước của TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long. Việc khai thác quỹ đất dọc hai bờ sông Sài Gòn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách các địa phương để tái đầu tư, phát triển.
Muốn vậy, trong những năm tới, phía hữu ngạn sông Sài Gòn phải có một con đường 63km, ít nhất 4 làn xe, tốc độ 100km/giờ, kinh phí xây dựng khoảng 2,5 tỉ USD nối từ Mũi Đèn Đỏ (quận 7) đến cầu Bến Súc (huyện Củ Chi) theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Tuyến đường này kết nối huyện Củ Chi - huyện Hóc Môn - quận 12 - quận Bình Thạnh - quận 1 - quận 2 - quận 4 - quận 7, thay vì chạy xe hơn hai giờ còn khoảng 30 phút từ bắc Củ Chi đến trung tâm thành phố. Tuyến đường này cũng kết nối các tuyến Vành đai 2, 3, 4 và các tuyến cao tốc.
Theo quy hoạch, sau khi hoàn thành đại lộ này sẽ giúp TP Hồ Chí Minh phát triển đột phá.
Mô hình thành phố đa trung tâm được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh theo đuổi suốt 20 năm qua và cách nay mươi năm, kế hoạch làm con đường nối quận 7 và huyện Củ Chi đã được hai doanh nghiệp bất động sản lớn nhất ở phía Bắc ngỏ ý đầu tư xây dựng. Nhưng rồi kế hoạch vẫn là… kế hoạch.
Từ khi có Nghị quyết số 54/2017/QH14, sau 6 năm thực hiện, lại có Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng ven sông Sài Gòn, nhất là ven bờ phía Thủ Thiêm, và khẩn trương xây dựng, mở rộng một số đoạn đường phía bờ sông quận 1 nối bờ sông quận Bình Thạnh, tận dụng hệ thống sông và kênh rạch để phát triển giao thông thủy, giảm tải cho đường bộ.
Đề án đường ven sông Sài Gòn nằm trong nhóm công trình trọng điểm vừa được lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đưa vào kế hoạch ưu tiên đầu tư xây dựng từ nay đến năm 2030.
Trước mắt, xây dựng đoạn đường từ cầu Ba Son đến Tân Cảng rộng 31-35m, đoạn từ cầu Sài Gòn đến Thanh Đa rộng 20-50m, kết nối từ đường Tôn Đức Thắng, quận 1 tới khu Tân Cảng, Thanh Đa, quận Bình Thạnh (vượt qua hai khu dân cư trong khu vực là Saigon Pearl và Vinhomes). Khi hoàn thành, tuyến đường mở ra hướng đi mới từ Thanh Đa vào khu trung tâm, tạo thêm không gian cho người dân tiếp cận dòng sông và sở hữu những “mặt tiền” đắt giá bậc nhất TP Hồ Chí Minh.
Ngoài đoạn đường ven sông được ưu tiên đầu tư, TP Hồ Chí Minh sẽ ngầm hoá đường Tôn Đức Thắng ven sông Sài Gòn, từ cầu Ba Son đến cầu Khánh Hội, dự kiến tổng mức đầu tư 2.100 tỉ đồng, thực hiện trước năm 2030.
3. Dòng sông là yếu tố cấu thành quan trọng của đô thị, nên trong quy hoạch tổng thể phải bảo tồn - phát triển - chỉnh trang để phát huy hết lợi thế của nó. Sông Sài Gòn được thiên nhiên ban phát, nếu xây dựng, chỉnh trang đúng quy hoạch thì 10-15 năm nữa là cảnh quan tuyệt đẹp của đại đô thị Hồ Chí Minh, trở thành điểm đến không thể thiếu của người dân và du khách - điểm đến độc đáo gắn với cảnh quan, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.
Nhân đây xin kể về đề xuất xây một số đảo vườn có quán nhạc, quán cà phê, nhà hàng… để tạo điểm nhấn du lịch, giải trí hấp dẫn kết hợp với cầu đi bộ tại đoạn sông Sài Gòn chảy qua khu trung tâm TP Hồ Chí Minh bên này bến Bạch Đằng, bên kia đô thị mới Thủ Thiêm của Liên danh Tư vấn Viện Quy hoạch vùng Paris (Pháp) cùng Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global), là liên danh đang hỗ trợ TP Hồ Chí Minh quy hoạch, phát triển toàn diện hành lang sông Sài Gòn.
Bàn về đề xuất này, nhiều chuyên gia môi trường, cảnh quan và kinh tế cho rằng không hợp lí. Bởi nếu xây dựng đảo nổi sẽ gây cản trở dòng chảy hiền hòa của sông Sài Gòn và không chỉ đánh đổi môi trường mà còn đánh đổi cả hệ sinh thái tự nhiên, phá vỡ cảnh quan và mĩ quan đô thị vốn có. Chưa kể, nếu nắn dòng chảy khúc sông này còn làm ảnh hưởng đến lưu thông đường thủy và mất an toàn giao thông đường sông. Còn về mảng xanh thì số cây trồng trên đảo không mang lại hiệu quả đáng kể cho việc cải thiện môi trường so với mặt nước trống, thoáng.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, các chuyên gia Pháp mang mô hình quy hoạch dòng sông Seine để đề xuất quy hoạch cho sông Sài Gòn. Tuy nhiên, hai bên bờ sông Seine chủ yếu là nhà cao 5-6 tầng, còn sông Sài Gòn đoạn trung tâm nhà cao từ 20 - 68 tầng, chưa kể bên bờ Thủ Thiêm sẽ xây dựng thêm nhiều tòa nhà cao tầng nữa. Trong không gian ấy, nên để dòng sông được thông thoáng mới tương xứng với đôi bờ, không thì trông giống như dòng kênh.