Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm việc tại 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau về tình hình sạt lở
Tin tức 12/08/2024 07:52
Theo báo cáo của tỉnh Bạc Liêu, trong vòng 10 năm qua, hầu như năm nào trên địa bàn tỉnh cũng xảy ra các vụ sạt lở, sụt lún đất tại các khu vực ven bờ sông và đê biển Đông. Tính từ năm 2015 đến 20/7/2024 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra 38 đợt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, gây thiệt hại 407 căn nhà, tổng thiệt hại về nhà ước tính hơnn 23,5 tỷ đồng. Đặc biệt là trong năm 2023, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra khá nghiêm trọng, đã xảy ra 8 đợt sạt lở; thiệt hại 209 căn nhà và 99 căn nhà bị ảnh hưởng; tổng thiệt hại về nhà ước tính hơn 11 tỷ đồng.
Qua thống kê đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600 km và tỉnh đã xác định có 50 danh mục dự án, công trình cần đầu tư đến năm 2030, tổng nguồn kinh phí dự kiến là hơn 28.000 tỷ đồng. Đây là giải pháp mà tỉnh đề ra để khắc phục trước mắt cũng như lâu dài.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng đoàn công tác kiểm tra, khảo sát khu sạt lở đê biển trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu |
Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, kiến nghị trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí cho Bạc Liêu để thực hiện dự án đầu tư 5 khu vực sạt lở sung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất, với tổng chiều dài gần 80km, cụ thể: Xây dựng đoạn kè G6, địa bàn thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, chiều dài 3 km; xây dựng kè bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu khu vực thị xã Giá Rai, chiều dài 5km; xây dựng kè 2 bên bờ kênh 30/4 thuộc phường Nhà Mát, TP Bạc Liêu, chiều dài 5,2km; xây dựng hệ thống đê sông và công trình phòng, chống triều cường cho 5 xã phía Tây huyện Đông Hải, chiều dài đê sông 66km; xây dựng kè bảo vệ đoạn đê giáp ranh Sóc Trăng để phòng, chống sạt lở, chiều dài tuyến kè 474m, v.v.. tổng kinh phí để thực hiện 5 dự án trên là khoảng hơn 3.400 tỷ đồng
Về phía tỉnh Cà Mau ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tổng chiều dài các đoạn bờ biển sạt lở đặc biệt nguy hiểm và sạt lở nguy hiểm trên địa bàn tỉnh là 83,85km. Trong đó, bờ biển Tây đang bị sạt lở nguy hiểm dài 22 km; bờ biển Đông đang bị sạt lở ở mức độ đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 61,85 km. Trên địa bàn tỉnh Cà Mau có đến 355 điểm sạt lở bờ sông; có đến 82 điểm sạt lở nghiêm trọng với tổng diện tích có nguy cơ bị ảnh hưởng lên đến 3.724 ha.
Tổng chiều dài các đoạn bờ sông, rạch bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở khoảng 425/8;118km. Trong đó, sạt lở đặc biệt nguy hiểm khoảng 120 km, chủ yếu xảy ra ở các huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Cái Nước, Đầm Dơi; sạt lở nguy hiểm có chiều dài khoảng 305 km, chủ yếu xảy ra ở các đoạn bờ sông có mật độ dân cư thưa hơn và hạ tầng bên trong chủ yếu là giao thông nông thôn. Sạt lở đã làm hư hỏng, sụp đổ xuống sông gần 28km lộ giao thông; 334 căn nhà; có nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực có diện tích hơn 3.700ha, bao gồm nhà cửa, tài sản của người dân và nhiều hạ tầng quan trọng khác. Tổng thiệt hại sạt lở đã gây ra cho tỉnh ước gần 1.120 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, tỉnh Cà Mau đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét các đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách, làm cơ sở để các địa phương thực hiện về hợp tác đầu tư trong xây dựng công trình phòng, chống sạt lở ven biển. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tỉnh Cà Mau sử dụng nguồn kết dư từ chương trình nguồn phục hồi kinh tế - xã hội và nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 để tiếp tục đầu tư kè phòng, chống sạt lở tại những vị trí sạt lở đặc biệt nguy hiểm.
Đặc biệt, tỉnh Cà Mau kiến nghị các bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí để khắc phục sạt lở bờ biển tại các điểm đặc biệt nguy hiểm khu vực bờ biển Đông, với chiều dài theo tình huống khẩn cấp đã ban bố là 21,55km, kinh phí khoảng 1.693 tỷ đồng và một số tuyến bờ sông bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với chiều dài 5,7km, tổng kinh phí 684 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây dựng hạ tầng tại vùng ngọt khoảng 200 tỷ đồng và đầu tư hệ thống nước nối mạng khoảng 241 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu kết luận buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương phải phối hợp chặt chẽ để dự báo được tình hình sạt lở, sụp lún, tính toán đầu tư các công trình, dự án phải mang tính khả thi, căn cơ, lâu dài, tránh lãng phí. Đối với các công trình, dự án xin chủ trương đầu tư, các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả, chất lượng. Đồng thời, Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc di dời người dân ở vùng sạt lở, nguy cơ là cấp thiết, bên cạnh đó là chăm lo sinh kế.